Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã kết thúc. Mọi thí sinh đều đã biết điểm số. Ngành Giáo dục cũng đã có những con số để đánh giá kết quả thi. Lẽ thường, đây là thời gian thí sinh, phụ huynh và cả xã hội hồi hộp chờ các trường đại học công bố kết quả xét tuyển.
Thế nhưng năm nay lại khác, cái người ta đang mong chờ lại là kết quả kiểm tra tại một số hội đồng thi có số thí sinh điểm cao ngất ngưởng quá lớn, mà Hà Giang là một điển hình. Cùng với đó, những trăn trở về kỳ thi “2 trong 1” lại đặt ra, bởi những lo ngại về chất lượng tuyển sinh của các trường đại học.
1. Tôi là thế hệ 7X đời chót, nhưng ngay từ thời học phổ thông đã quen với từ cải cách giáo dục. Tuy nhiên, đó là cải cách cái gì thì thế hệ học sinh chúng tôi thời đó không nhìn nhận rõ. Có chăng, chúng tôi thấy rất rõ nhất, là thay vì lớp 8 là cuối cấp II thì cải cách có thêm lớp 9. Năm chúng tôi thi tốt nghiệp THPT, thay vì thi tại trường như các anh chị lớp trước, thì do đổi mới cách thi nên chúng tôi phải khăn gói quả mướp đi đến huyện khác để thi (năm 1996). Việc này đã tạo nên sự xáo trộn rất lớn đến đời sống cũng như tâm lý của chúng tôi. Thời đó, đi lại rất khó khăn, đời sống vật chất cũng thấp, thông tin hạn chế nên kỳ thi này đúng là thử thách đầu đời rất khó khăn với tôi.
Thi tốt nghiệp xong, tôi lại ra Hà Nội ôn thi đại học cấp tốc. Tôi thi khối C, nên nhập vào một lò luyện thi ở ngay sát ký túc xá trường Đại học Tổng hợp cũ (Đại học Xã hội nhân văn và Đại học Tự nhiên). Những kiến thức Văn, Sử, Địa của các thầy ở trường đại học giảng dạy không mới so với các thầy cô ở trường THPT mà tôi học nhưng hấp dẫn vô cùng, đặc biệt là khả năng phân tích và tổng hợp. Hồi đó, ở quê tôi chưa có phong trào học thêm, luyện thi nên với tôi, đây là một kỳ học ôn vô cùng bổ ích.
Trong khi tôi vùi đầu vào học ôn thì ở quê nhà có kết quả thi THPT. Tôi chỉ đạt 19 điểm trên tổng số 4 môn thi. Như vậy, tôi thiếu 1 điểm nữa mới đậu tốt nghiệp. Thế nhưng, bố mẹ đã không báo tin động trời này cho tôi. Rất may, hồi đó cũng chưa có internet như bây giờ nên kết quả này không tác động gì đến tôi. Tôi vẫn miệt mài ôn thi đại học.
Đến kỳ thi đại học, mẹ ở quê ra Hà Nội để đưa tôi đi thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Thi xong môn cuối, mẹ mới cho tôi biết kết quả thi tốt nghiệp của mình kèm theo một thông tin, do năm đầu tiên thực hiện việc đổi mới cách thi nên kết quả thi rất thấp, ngành Giáo dục phải hạ xuống 19 điểm nên tôi đỗ tốt nghiệp.
Tôi nhận tin này trong sự bàng hoàng và vui sướng. Bàng hoàng vì tôi không nghĩ mình lại có kết quả thi tồi như vậy. Và sung sướng vì tôi đỗ tốt nghiệp THPT. Về quê, tôi tiếp tục tham gia 2 kỳ thi để ứng thí vào trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh với hai hệ: Giáo viên cấp II (THCS) và Giáo viên Mầm non với 3 môn: Toán, Văn, Sử (khi tham gia lớp ôn thi cấp tốc ở Hà Nội, tôi không ôn môn Toán).
Khoảng hơn một tháng sau, chú bưu tá chuyển đến tôi giấy báo trúng tuyển vào khoa Văn của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Đầu tháng 9, tôi ra Hà Nội nhập học thì ở quê, bố mẹ tôi nhận được hai giấy báo trúng tuyển của trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh nhà, hệ Cao đẳng Sư phạm Mầm non tôi còn được nhà trường thông báo nhận được học bổng vì kết quả thi cao.
Hôm nay, tôi kể lại câu chuyện của chính mình, bởi nếu không có kỳ thi đại học, cao đẳng; nếu các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh bằng cách xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia như hiện nay, tôi đã không có cơ hội ngồi ở giảng đường đại học.
2. Trở lại kỳ thi THPT năm nay, khi Hà Giang – một tỉnh mà theo một chuyên gia đánh giá, nếu xếp hạng về giáo dục thì phải xếp thứ 56/63 tỉnh, thành lại có số thí sinh đạt điểm cao rất cao. Người ta chỉ ra các con số như, Hà Giang có 36/76 số thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên của cả nước, chiếm 47,36%; 29/82 thí sinh đạt trên 27 điểm khối A, chiếm 35,3%; 3/11 thí sinh nằm trong nhóm có điểm cao nhất cả nước.
Ngoài ra, môn Toán, Vật lý kết quả thi của thí sinh đạt điểm 9 trở lên cũng bất thường. Mặc dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh này chỉ đạt 89,35%, thuộc diện thấp so với cả nước.
Không chỉ Hà Giang, Sơn La cũng là địa phương có kết quả thi THPT quốc gia bất thường, nhất là đối với những thí sinh đạt điểm cao ngất ngưởng. Dư luận thực sự choáng váng khi cư dân mạng so sánh điểm thi thử THPT của một số thí sinh với điểm thi thật có sự khác biệt một trời, một vực.
Ví dụ, thí sinh N. có điểm thi thật: Toán: 9,8; Ngữ văn: 8,75; Lịch sử: 7,5; Địa lý: 8,25; Giáo dục công dân: 8; Tiếng Anh: 9,8. Điểm thi thử: Toán: 5; Ngữ văn: 4; Lịch sử: 6,25; Địa lý: 6,25; Giáo dục công dân: 5,25; Tiếng Anh: 1,2. Đáng tiếc đây không chỉ là trường hợp duy nhất được chỉ ra. Điều gì khiến kết quả thi của thí sinh này lội ngược dòng như vậy, nhất là với môn Tiếng Anh từ 1,2 điểm thi thử, thi thật 9,8 điểm? Rõ ràng ở đây có sự không bình thường.
Không biết tới đây, kết quả kiểm tra lại từ các hội đồng thi ở một số địa phương của Bộ Giáo dục&Đào tạo như thế nào, chúng ta đành phải chờ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc thi trắc nghiệm và chấm bằng máy thì rất khó phát hiện ra “dấu vết” bất thường nếu có. Vấn đề đặt ra hiện nay là, theo quy chế thì các trường đại học, cao đẳng vẫn phải xét tuyển để tuyển sinh. Nhưng với những ví dụ về sự không bình thường như nêu ở trên, việc xét tuyển sẽ như thế nào? Liệu có sự công bằng cho tất cả các thí sinh?
Mục đích của kỳ thi “2 trong 1” là rất tốt đẹp, đó là sự tiện ích cho học sinh, phụ huynh; là tiết kiệm cho toàn xã hội; là sự cải cách giáo dục… nhưng với những gì đang diễn ra trong thực tế, xem ra cái mục đích tốt đẹp này không đem lại hiệu quả như mong đợi, nhất là đối với việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Mỗi trường đại học, cao đẳng đều có đặc thù nên cách tuyển sinh phải khác biệt. Ví dụ như: Học viện Báo chí trước đây có thi môn Năng khiếu báo chí; Đại học Kiến trúc, đại học Mỹ thuật … thi môn Mỹ thuật. Rõ ràng, có một số ngành nghề rất cần năng khiếu, thế nên việc tuyển chọn cũng cần có sự khác biệt.
Chúng ta đang ở thời kỳ cần những người lao động có chuyên môn sâu, tại sao chúng ta không để các trường đại học được quyền tuyển chọn người học cho mình? Để một xã hội phát triển, con người luôn là số 1, trong đó có vai trò của giáo dục. Đến bao giờ, việc giáo dục đào tạo của chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội?
Tác giả: Cao Hồng
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân