Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin, tỷ lệ trẻ vị thành niên tìm tới bệnh viện để nạo phá thai chiếm khoảng 15-18% trong tổng số các ca nạo phá thai của bệnh viện. Tuy nhiên, điều đáng ngại là hầu hết những ca nạo phá thai này đều đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn, khoảng 4-5 tháng. Do vậy, khi can thiệp gây khó khăn cho cả y bác sỹ và đau đớn, tổn thương cho bản thân trẻ vị thành niên.
Từ thực tế kinh nghiệm trong ngành sản khoa, ông Ánh cho rằng hiện công tác giảng dạy giáo dục giới tính của các nhà trường hầu như ít được tiến hành, nếu không nói là bỏ quên. Bởi đơn giản là các nhà trường không có giáo viên hoặc chuyên gia phụ trách lĩnh vực này. “Nhiều người thường hiểu lầm rằng giáo viên sinh học có thể kiêm nhiệm giảng dạy kiến thức về sức khỏe sinh sản nhưng thực tế không hẳn vậy, kiến thức sinh học và giáo dục giới tính là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau”, ông Ánh nói.
Bà Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà cho biết, nhiều trẻ vị thành niên tìm tới trung tâm sản khoa để nạo phá thai khi thai đã lớn nhưng vẫn nói bậy chửi tục, cá biệt có em còn vô tư lướt mạng xã hội, tán gẫu trong phòng bệnh. Các em quá hồn nhiên không hề biết những nguy cơ có thể xảy ra với sức khỏe bản thân khi thực hiện nạo phá thai. “Một số em khi được hỏi có sợ khi nạo thai không và tại sao không thực hiện biện pháp phòng chống thì ngây thơ trả lời rằng, có thai thì phá, có gì đáng lo đâu, cháu có đứa bạn phá tới hàng chục lần mà cũng có sao đâu”, bà Kim Dung nói.
Theo ông Nguyễn Duy Ánh, vấn đề giáo dục giới tính hiện nay rất cấp thiết, cần được phổ biến và đưa vào giáo dục trong các nhà trường hơn lúc nào hết. “Giáo dục giới tính là việc khó khăn, cần được nhà trường đầu tư nghiên cứu giảng dạy bài bản bởi trẻ vị thành niên không chỉ dừng lại ở vài triệu trẻ năm nay mà năm sau và nhiều năm tiếp theo chúng ta vẫn luôn có thế hệ kế cận. Do vậy nếu không có nền tảng giáo trình giảng dạy vững chắc sẽ khó có được kết quả mà chỉ là biện pháp giảng dạy được chăng hay chớ”, ông Nguyễn Duy Ánh thừa nhận.
Còn ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Hà Nội thì cho rằng, nhà trường nên bố trí một thầy cô giáo đảm nhận nhiệm vụ giáo dục giới tính cho học sinh và đây phải trở thành nội dung bắt buộc giảng dạy tại các trường phổ thông. Cụ thể trong giảng dạy giáo viên nên đặt ra các tình huống về tình yêu, tình dục để trẻ xử lý; biện pháp nào tránh xâm hại tình dục, quan hệ tình dục an toàn, tránh viêm nhiễm. Hay vấn đề lớn hơn như hôn nhân cận huyết có ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ tương lai, hệ lụy nào khi nạo phá thai...
Tuy nhiên để giúp việc giáo dục giới tính thu được hiệu quả cao, các chuyên gia y tế đề nhấn mạnh vai trò to lớn của các bậc cha mẹ bởi mọi thay đổi cũng như cải cách của ngành giáo dục đều vô dụng nếu vấp phải sự phản đối của phụ huynh học sinh.
Tác giả bài viết: D.Ngân