Trong tỉnh

Vấn đề quản lý các khu nhà trọ ở phường Quảng Thành

Nằm vị trí giáp ranh với các Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các công ty nên nhu cầu ở trọ của học sinh, sinh viên và người lao động rất lớn. Chính vì vậy công tác quản lý các khu nhà trọ, các đối tượng thuê trọ luôn được chính quyền và Công an phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) quan tâm.

Một số nhà trọ tại phường Quảng Thành.

Phố Thành Mai được người dân nhắc đến với số lượng học sinh, sinh viên thuê trọ đông nhất trên địa bàn phường. Bắt đầu cho thuê phòng trọ từ năm 2011 với 28 phòng trọ, gia đình ông Nguyễn Văn Khuê, phố Thành Mai đã đề ra các nội quy, quy định để các học sinh, sinh viên đến trọ tuân thủ, tránh việc lộn xộn, khó quản lý.

Ông Khuê cho biết: Để tránh việc kẻ xấu trà trộn, tôi đã quy định giờ đóng cổng và giao cho mỗi phòng một chìa khóa cổng để quản lý. Gia đình tôi ở ngay bên cạnh khu trọ nên dễ dàng quản lý các hoạt động, sinh hoạt, nhất là bạn bè của các cháu, do đó, chưa xảy ra các vụ mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự.

Hay như gia đình chị Thái Thị Minh Tâm, cách đây 2 năm đã mạnh dạn đầu tư hệ thống phòng trọ khép kín 3 tầng với 19 phòng trọ nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú thường xuyên của sinh viên.

Chị Tâm chia sẻ, không phải tháng nào cũng có người thuê kín phòng. Song gia đình chị, cũng có nội quy, quy định riêng và quy định cụ thể thời gian đóng cửa ra vào khu trọ vào ban đêm, khi có người thuê trọ phải thống nhất thực hiện nội quy của khu trọ. Đặc biệt, để tiện quản lý hoạt động của người thuê trọ, gia đình đã lắp đặt hệ thống camera hành lang đối với khu nhà trọ không nằm bên cạnh nhà chủ.

Theo tổng hợp của Công an phường Quảng Thành, trên địa bàn hiện có 170 hộ gia đình có dịch vụ cho thuê trọ với hơn 1.100 phòng trọ. Số lượng người trọ thường xuyên trên 1.700 người chủ yếu là sinh viên, học sinh và một số lao động tự do. Có thể thấy, dịch vụ này đã mang lại khoản thu nhập đáng kể cho người dân địa phương nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội, gây bất ổn an ninh trật tự địa phương, đặc biệt là ở các khu nhà trọ không có chủ bên cạnh.

Chính vì vậy, để tăng cường quản lý hoạt động tại các nhà trọ, công an phường đã tham mưu cho UBND phường ban hành quy chế quản lý nhà trọ bình dân; tổ chức triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Đối với các chủ nhà trọ, phường trang bị sổ theo dõi nhân khẩu theo quy định, hướng dẫn ghi chép, yêu cầu chủ nhà và người trọ khai báo quản lý nhân khẩu theo quy định. Còn các khu trọ không có chủ bên cạnh, công an phường phân công lực lượng tăng cường quản lý, kiểm tra đột xuất, đồng thời tư vấn cho chủ nhà chọn một khách trọ có uy tín quản lý khu trọ để nắm bắt, thông báo kịp thời tình hình tại khu nhà trọ.

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, công an phường còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội đến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân; phối hợp cùng đoàn thanh niên và hội sinh viên các trường tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, thu hút sinh viên tham gia; đặc biệt chú trọng việc giáo dục và trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết cho học sinh, sinh viên trong điều kiện sống xa nhà. Thường xuyên trao đổi thông tin với phòng quản lý học sinh, sinh viên các nhà trường để nắm bắt tình hình của sinh viên,qua đó sớm có biện pháp trong quản lý, giáo dục.

Thời gian tới, để tăng cường phòng ngừa tệ nạn xã hội ở các khu nhà trọ, công an phường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, chủ các khu nhà trọ và các nhà trường trong công tác quản lý các em học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cần tăng cường quản lý, giáo dục con em, học sinh, sinh viên, đặc biệt chú trọng nhắc nhở các em trước những “cạm bẫy” của xã hội, rèn luyện tính tự giác, tự quản cao cho các em, phê phán lối sống buông thả, hưởng thụ tức thời.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok