|
Đây là câu chuyện được cây bút Sivan John kể lại trên tờ Futbolgrad. Vào năm 1994, cả châu Á bị đánh thức bởi sự xuất hiện bí ẩn của Uzbekistan trên sân bóng. Thời điểm này, Hiroshima (Nhật Bản) đăng cai tổ chức Asian Games hay còn gọi là ASIAD. Hầu hết đội bóng đều có xu hướng gửi những cầu thủ tốt nhất sang tranh tài ở sân chơi này (đến năm 2002 bị hạn chế cho cầu thủ U23).
Ở thập niên 1990, thế giới có rất nhiều biến động về địa lý, chính trị cũng như văn hóa. Sự kiện lớn nhất chính là việc Liên Xô tan rã vào năm 1991. Do đó, Uzbekistan chính trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 1/9/1991. Họ nhanh chóng được nhận vào thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Tấm bia tưởng niệm các cầu thủ của tai nạn hàng không năm 1979 làm toàn đội bóng Pakhaktor thiệt mạng. |
Về lịch sử, bóng đá đã có mặt tại Uzbekistan từ đầu thế kỷ 20. Trước năm 1991, trọng tâm bóng đá tại vùng đất này là thành lập các CLB để có thể tham gia vào giải VĐQG Liên Xô. Tuy nhiên, mọi chuyện diễn ra không hề dễ dàng.
Năm 1979, một vụ tai nạn hàng không thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ thành viên CLB nổi tiếng nhất Pakhaktor Tashkent. Nó làm tiêu tan hy vọng về việc phát triển bóng đá khi Uzbekistan trở thành một quốc gia mới. Thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, những cầu thủ giỏi nhất đều tập trung về Nga hoặc Ukraine thi đấu.
Đội bóng bị bỏ rơi
Với nhiều rào cản, bóng đá không được ưu tiên khi Uzbekistan dự ASIAD 1994. ĐTQG nước này không được tham dự vào đoàn VĐV nước này đến Hiroshima. Chính phủ và ngành thể thao nước này sẵn sàng tài trợ chi phí, hứa hẹn thưởng khi có huy chương. Nhưng bóng đá không nằm trong đó.
Liên đoàn bóng đá Uzbekistan (UFF) phải dùng gần như toàn bộ số tiền họ có được, chừng 14.000 USD để xây dựng ĐTQG một cách chắp vá và tự phát. Với ngân sách quá eo hẹp, UFF chỉ gửi đội tuyển gồm 17 cầu thủ, 1 HLV, 1 trợ lý và 1 bác sĩ đồng thời là săn sóc viên của đội.
HLV được chọn là Rustam Akramov. Giới chuyên môn nghi ngại bởi CLB Pakhkator của ông thi đấu kém cỏi tại giải trong nước. Ông được chọn một phần vì kinh nghiệm ở nước ngoài khi làm việc tại Algeria thập niên 1980.
Trợ lý của ông là Berador Abduraimov, cầu thủ nổi tiếng của họ trong thời kỳ còn thuộc Liên Xô. Abduraimov ghi hơn 100 bàn cho CLB Pakhator. Ông được chọn chỉ 2 tháng trước khi các trận đấu diễn ra, cho thấy sự tự phát trong chuyến đi của Uzbekistan đến Nhật Bản.
Liên đoàn bóng đá Uzbekistan thành lập ĐTQG một cách tự phát để dự Asian Games 1994. |
Điều đó mang đến một rắc rối nhỏ trong đội tuyển khi xảy ra xung đột giữa HLV và trợ lý. Akramov kém danh tiếng hơn Abduraimov rất nhiều và ông không hài lòng khi có một “ngôi sao” trợ lý trên băng ghế huấn luyện. Nhưng cả hai đã cố gắng kiềm chế, đặt lợi ích đội tuyển lên trên hết. Việc chọn ra 17 cái tên đến Hiroshima thật sự thách thức.
Akramov không có sự phụ vụ của thủ môn Pavel Bugalo, người bị ốm trước giải. Chân sút ghi bàn hàng đầu Ravshan Bozorov cũng không lên vì có mâu thuẫn với Akramov. Ngoài ra Andrey Pyatnitsky cũng từ chối lời kêu gọi của Uzbekistan để khoác áo ĐT Nga và đã cùng đội này dự World Cup 1994. Bên cạnh đó, Valery Kechinov - cầu thủ hay nhất Uzbekistan 1992 cũng thể hiện sự trung thành với Nga.
Đội hình chắp vá
Xương sống của đội tuyển Uzbekistan được tạo nên từ cầu thủ của 2 CLB lớn nhất nước là Pakhtakor và Neftchi. Trong đó Neftchi đóng góp 6 thành viên gồm Anderj Federov, Alexandr Tikhonov, Sergej Lebedev, Adusamat Durmanov, Rustam Durmanov và Stepan Atoyan.
Trong đó sự có mặt của Atoyan là bất ngờ bởi anh đối mặt với chấn thương liên tục, nhưng các HLV hy vọng sẽ sớm hồi phục. Tikhonov thất nghiệp đến 2 lần trong năm đó nhưng HLV vẫn tin tưởng và xem anh là thành viên quan trọng của đội.
Chỉ có 3/17 cầu thủ của đội đang thi đấu ở nước ngoài. Một trong số đó là con trai của trợ lý Berador Abduraimov - Azimat Abduraimov, thành viên của đội trẻ Spartak và khoác áo Pahang FA của Malaysia. Tiếp theo là Mirjalol Qosimov, tiền vệ tài năng đang thi đấu tại Nga. Cuối cùng là chân sút tóc vàng Igor Shkvyrin - thời điểm đó khoác áo Maccabi Haifa của Isarel.
Mirjalol Qosimov, ngôi sao của Uzbekistan thời đó. |
Akramov chủ trương xây dựng nên một đội hình tấn công, dựa trên hàng thủ mạnh mẽ. Sheikin được chọn làm thủ môn, Davletov chơi hậu vệ trái, Tikhonov bên trái, còn Magometov và Federov sắm vai trung vệ.
Ở tuyến giữa Sharipov chơi lệch phải, còn Lebedev lệch trái. Qosimov là bộ não ở hàng tiền vệ. Trên hàng tấn công, Uzbekistan dùng trung phong Durmavov, Shkvyrin và Abdulramov hỗ trợ theo sơ đồ 4-3-3.
Kết quả bốc thăm đưa Uzbekistan rơi vào bảng đấu khá mạnh cùng Saudi Arabia, Thái Lan, Hong Kong và Malaysia. Báo chí Malaysia thời điểm đó tin rằng họ có thể đi tiếp bởi bảng đấu này chỉ có Saudi Arabia là đủ sức thách thức họ.
Gây sốc cho châu Á
Ngay trận ra quân, Uzbekistan đã khiến châu Á sửng sốt khi đánh bại Saudi Arabia 4-1. Năm đó, Saudi Arabia cử đội hình trẻ trung nhưng vẫn được xem là ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch. Còn Uzbekistan được xem là kẻ vô danh.
Trận đấu tiếp theo gặp Malaysia giống như việc đưa một con thỏ vào lò mổ. Uzbekistan dễ dàng giành chiến thắng 5-0. Mãi đến trận thứ 3 gặp Hong Kong, HLV Akramov mới điều chỉnh một số nhân sự trong đội hình xuất phát, nhưng đội nhà vẫn có chiến thắng 1-0 để giành vé đi đến vòng knock-out.
Uzbekistan dẫn đầu bảng sau chiến thắng 5-4 trước Thái Lan. Tại tứ kết họ không gặp nhiều khó khăn để vượt qua Turkmenistan 3-0 với cú đúp của Skhvyrin và 1 bàn của Abduraimov. Trận bán kết là thách thức lớn nhất với họ khi phải chạm trán Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Đội hình Uzbekistan vô địch Asian Games 1994 gây sốc cho toàn châu Á. |
Hàn Quốc đánh bại đối thủ 3-2 với bàn thắng cuối cùng ở phút 90 sau một quả penalty gây tranh cãi dữ dội. CĐV Nhật Bản từ chỗ lạ lẫm đã quay sang ủng hộ Uzbekistan ở bán kết, với mong muốn họ trả thù Hàn Quốc.
Khi đó, Hàn Quốc mang đến Hiroshima 9 cầu thủ từng dự World Cup 1994. Trận đấu thật sự là một cuộc chiến khốc liệt ở 2 cầu môn. Skhvyrin và Abduraimov gặp vô vàn khó khăn trước cặp trung vệ hay nhất châu Á Hong Myung-bo và Choi Young-il.
Hàn Quốc chiếm ưu thế trong hiệp 1 nhưng phong độ xuất sắc của Sheikin đã giúp đội nhà giữ sạch lưới. Đến phút 65, Uzbekistan bất ngờ có bàn dẫn trước sau cú dứt điểm của Abduraimov. Trong 25 phút còn lại, Hàn Quốc dồn ép nhưng không tài nào có bàn gỡ hòa.
Đến chung kết, Uzbekistan gặp Trung Quốc, đội đã thắng Kuwait 2-1 ở trận bán kết khác. Rất đông khán giả Nhật Bản đã đến sân để cổ vũ cho đội bóng của HLV Akramov. Vượt qua cửa ải khó nhất ở bán kết, Uzbekistan sớm dẫn trước 2 bàn chỉ sau 9 phút nhờ các pha lập công của Skhvyrin và Lebedev. Trung Quốc rút ngắn cách biệt xuống còn 1-2 với pha lập công của Hu Zhijun phút 18.
Bóng đá trẻ Uzbekistan đã đạt được một số thành tựu với lứa U16, U20 tuy nhiên ĐTQG của họ vẫn chưa vươn đến World Cup. |
Sang hiệp 2, Uzbekistan gia tăng cách biệt sau cú đá penalty thành công của Abduraimov phút 47. Đội bóng Trung Á chỉ để cho Trung Quốc ghi thêm 1 bàn của Li Bing, trước khi ấn định chiến thắng 4-2 nhờ công của Maksudov phút 81.
Uzbekistan đã làm nên lịch sử khi vô địch ở ngay giải đấu lớn đầu tiên góp mặt. Khi đó, phần đông người hâm mộ châu Á đều cho rằng Uzbekistan giống người châu Âu và cách chơi bóng cũng tương tự. Đối với họ, khoảng cách giữa 2 khu vực bóng đá vẫn còn quá chênh lệch.
Chức vô địch của Uzbekistan là sự thức tỉnh cho cả bóng đá châu Á, cũng như New Zealand và Australia. Khi đó, một số tờ báo của Malaysia đã kêu gọi Australia và New Zealand nên thận trọng vì có một thế lực mới nổi lên.
Đến nay, đó vẫn là danh hiệu duy nhất của Uzbekistan ở cấp độ châu lục. Tại đấu trường World Cup, họ vào đến vòng loại cuối cùng nhưng đều chưa đủ sức để góp mặt ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Còn tại Asian Cup, thành tích tốt nhất của họ là hạng 4 năm 2011.
Tác giả: Nguyễn Đăng
Nguồn tin: zing.vn