Tuyên bố trên được ông Dmitry Kuleba, đại diện thường trực của Ukraine trong Hội đồng châu Âu đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RBC Ukraine.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 gây tổn thất lớn cho Ukraine |
"Nếu dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 được triển khai, cần phải có bảo đảm pháp lý, không phải là Biên bản ghi nhớ Budapest, mà phải là thỏa thuận liên quốc gia cụ thể. Đó không phải là thỏa thuận song phương, mà là thỏa thuận đa phương (ba bên) giữa Đức, Ukraine và Nga, về khối lượng khí cụ thể của Nga được vận chuyển qua hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào", ông Dmitry Kuleba nói.
Đồng thời, ông Kuleba lưu ý rằng việc Nga cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ dẫn đến "tổn thất khổng lồ" cho phía Ukraine. Ngoài ra, Kiev, theo lời ông, sẽ mất đòn bẩy chính trị.
"Nghĩa là sẽ có hai đầu tiêu thụ, một ở Moscow và một ở Berlin. Tất cả khí đốt sẽ được tiêu thụ thông qua nền kinh tế Đức. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Âu", ông Kuleba nói.
Trước đó, trong bài viết trên tờ Frankfurter Allgemeine của Đức, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng mục đích của dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là phá hoại châu Âu.
"Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án thuần túy địa chính trị của Điện Kremlin nhằm tìm cách làm suy yếu sự thống nhất của châu Âu để cuối cùng tiêu diệt nó. Điều này luôn luôn là tư tưởng chính sách năng lượng của Điện Kremlin".
Theo ông Poroshenko, ngay sau khi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu và bỏ qua Ukraine, Điện Kremlin sẽ bắt đầu cuộc tấn công mạnh mẽ hơn vào các giá trị châu Âu. Đầu tư vào dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là đầu tư vào việc làm cho châu Âu tan rã".
Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".
Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.
Tác giả: Đức Dũng
Nguồn tin: Báo Infonet