|
Theo phản ánh của bạn đọc, tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa xảy ra sự việc ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân đã ký giấy chứng tử khi không có đủ căn cứ cho một đối tượng đang bị Cơ quan điều tra phát lệnh truy nã.
Theo đó, Nguyễn Văn Tám (SN 1966), đang bị Công an huyện Thường Xuân phát lệnh truy nã từ tháng 3/1999, về tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, tới ngày 15/7/2020, Nguyễn Văn Tám đã được UBND xã Vạn Xuân chấp nhận đăng ký khai tử và đã cấp trích lục khai tử, theo yêu cầu và cam kết của gia đình Tám về việc người này đã chết.
Tìm hiểu về sự việc trên, Người Đưa Tin đã trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân, thì được ông này xác nhận đúng là có sự việc trên và ông Tuấn là người đã ký “khai tử” cho Nguyễn Văn Tám.
“Tám là người bị phát lệnh truy nã từ năm 1999, về tội Trộm cắp tài sản. Khoảng năm 2020, phía gia đình ông Tám có báo cáo và cam kết về việc người này đã chết trong miền Nam. Vì vậy, sau khi bộ phận tư pháp xã trình lên tôi đã ký giấy chứng tử cho Nguyễn Văn Tám”, ông Tuấn cho biết.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân làm việc với phóng viên.. |
Trước thông tin trên, Người Đưa Tin đã có trao đổi với ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, qua trao đổi, ông Lương cho biết sẽ cử bộ phận chuyên môn kiểm tra, nếu sự việc đúng như vậy thì việc cấp giấy chứng tử cho ông Tám là thiếu căn cứ, cần phải thu hồi.
“Tôi sẽ cho anh em kiểm tra ngay sự việc này, nếu đúng như phản ánh thì việc cấp giấy trong trường hợp này là sai quy định”, ông Lương cho biết.
Trao đổi với luật sư Lê Văn Thiện, Giám đốc công ty TNHH Luật Khang Lợi cho rằng, việc cấp giấy chứng tử căn cứ theo Ðiều 30, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định quyền được khai sinh, khai tử. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn Tám được UBND xã Vạn Xuân cấp giấy chứng tử là chưa có đủ căn cứ pháp lý, cơ bản như thiếu Giấy báo tử được cơ quan có thẩm quyền cấp, mà chỉ căn cứ vào đề nghị và cam kết của gia đình Nguyễn Văn Tám là chưa đúng với quy định.
Trình tự, thủ tục khai tử được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch. Thẩm quyền đăng ký khai tử (Điều 32 Luật hộ tịch năm 2014): Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Về thủ tục (Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP): Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Giấy báo tử phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; địa điểm chết và nguyên nhân chết. Thẩm quyền cấp Giấy báo tử được quy định: a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử; b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử; Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử; d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử; đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử. |
Tác giả: Nguyễn Hữu Phương
Nguồn tin: nguoiduatin.vn