Giáo dục

UBND Tỉnh Thanh Hóa ra quyết định sai, trường trung cấp Văn Hiến khốn đốn?

Vì một quyết định mâu thuẫn của UBND tỉnh Thanh Hoá, trường Trung cấp Văn Hiến vướng vào lùm xùm nội bộ, bị đình chỉ tuyển sinh và đứng trước nguy cơ bị ngân hàng kê biên tài sản.

Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến được thành lập từ năm 2007 theo quyết định số 3139 của UBND tỉnh Thanh Hóa, do 3 thành viên góp vốn gồm: ông Đàm Lê Đồng, ông Vũ Ngọc Kha và ông Nguyễn Đức Tâm (Chủ tịch trường trung cấp Văn Hiến).

Từ một quyết định đầy mâu thuẫn của UBND tỉnh Thanh Hoá...

Tháng 6/2009, tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 1868/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Trung cấp Văn Hiến trên cơ sở chuyển đổi từ Trường Trung cấp nghề tư thục Văn Hiến, do phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt ký.

Điều đáng nói, đây là Quyết định sai của UBND tỉnh Thanh Hoá và sau này tỉnh đã phải sửa đổi.

Quyết định 1868.

Trong nội dung của quyết định này không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Thanh Hóa lại đưa vào cụm từ “Trường Trung cấp nghề Văn Hiến là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân”?

Mọi rắc rối và mâu thuẫn bắt nguồn từ văn bản này của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Dựa vào cụm từ “Trường Trung cấp nghề Văn Hiến là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân”, tháng 6/2009, ông Nguyễn Đức Tâm (chủ tịch HĐQT trường trung cấp Văn Hiến) đã tự ý ký hợp đồng tín dụng đầu tư số 09/2009/HĐTDĐT-NHPT với Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (Ngân hàng phát triển Thanh Hóa) thế chấp trường lấy 9 tỷ đồng.

Số tiền vay ngân hàng này cũng không được giải ngân và chuyển về tài khoản của trường Văn Hiến, mà lại được chuyển vào một công ty khác.

Chưa dừng lại ở đó, thời gian sau, ông chủ tịch “âm thầm” dùng doanh thu của nhà trường để trả khoản vay ngân hàng trên. Tổng số tiền ông Tâm dùng trả khoản vay khoảng 4 tỷ đồng thì ông này bị công an bắt vì tội làm giả hồ sơ, trốn thuế.

Ngôi trường đã dừng mọi hoạt động từ năm 2013

Ngày 19/12/2012, Ngân hàng đã đến trường Trung cấp Văn Hiến kiểm tra, định giá tài sản để “siết nợ” sau khi ông Tâm bị bắt. Lúc này, các thành viên trong HĐQT và cán bộ nhà trường mới “ngã ngửa” biết trường đã bị “cầm cố” cho ngân hàng từ nhiều năm trước.
Lạ hơn nữa, tuy là thành viên HĐQT, song ông Vũ Ngọc Kha và ông Đàm Lê Đồng không hề được thông báo về hoạt động tài chính của trường trung cấp Văn Hiến.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự (vụ án trốn thuế) số 172/CSĐT ngày 29/5/2015, của cơ quan công an, ông Nguyễn Đức Tâm có khẳng định điều này: “ông Đàm Lê Đồng, Vũ Ngọc Kha là các thành viên HĐQT của trường Trung cấp Văn Hiến nhưng không được tham gia hoạt động tài chính của trường, không được thông báo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm nên hầu hết không được biết về tài chính của trường”.

Quyết định sửa đổi Quyết định 1868.

... UBND tỉnh Thanh Hóa sửa sai, trường Văn Hiến vẫn khốn đốn

Theo tố cáo của ông Đàm Lê Đồng và ông Vũ Ngọc Kha (thành viên HĐQT), trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT trường Trung cấp Văn Hiến, ông Nguyễn Đức Tâm (đồng thời cũng là giám đốc công ty cổ phần Minh Tân) đã có nhiều việc làm sai trái, thực hiện nhiều khoản thu chi thiếu minh bạch, trái quy định. Ông Tâm tự cho mình quyền quyết định mọi việc trong trường, nhất là về tài chính.

Sau nhiều lần hai ông gửi đơn kiến nghị, ngày 28/8/2015, Tư Pháp Thanh Hóa mới ra văn bản số 1552 chỉ rõ, quyết định 1868/QĐ-UBND có cụm từ “...là đơn vị ngoài công lập thuộc công ty cổ phần Minh Tân” không phù hợp với pháp luật”. Chính vì thế, sở Tư Pháp Thanh Hóa buộc phải kiến nghị ban hành văn bản thay thế quyết định 1868/QĐ-UBND ngày 16/8/2009, của tỉnh Thanh Hóa.

Mãi tới tháng 6/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định sửa đổi quyết định 1868 với nội dung: “thành lập Trường trung cấp Văn Hiến không trực thuộc Công ty CP Minh Tân”.

Những tưởng sau quyết định này, các cổ đông và cán bộ trường Văn Hiến sẽ được trả lại đúng giá trị và vai trò đối với trường. Qua đó, tiếp tục vực dậy ngôi trường suốt 5 năm qua bị đình chỉ tuyển sinh, cơ sở vật chất bỏ hoang phí thì năm 2018, ông Tâm ra tù và phát đơn kiện để gạt 2 cổ đông ra ngoài, đòi trường để trả nợ ngân hàng.

Từ việc bỏ tiền để thành lập trường rồi bị ông Tâm mang đi cầm cố ngân hàng, ông Đồng và ông Kha lại đứng trước nguy cơ bị cướp trắng tài sản của mình sau nhiều năm khiếu kiện chính quyền để đòi quyền lợi hợp pháp.

Vậy trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa khi ban hành quyết định sai khiến trường Văn Hiến khốn đốn trong vụ việc này thế nào? Các cơ quan liên quan sẽ trả lời về vấn đề này ra sao?

Tác giả: Minh Hải

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok