3 ngày sau khi gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép làm bánh giầy nặng hơn 3 tấn để cung tiến lễ giỗ Tổ vua Hùng sắp tới và vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận, mới đây UBND thành phố Sầm Sơn đã quyết định hủy bỏ ý tưởng này.
Thông tin này được ông Mai Xuân Liêm – Bí thư Thành ủy thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) xác nhận. Theo đó, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn đã họp bàn và đi đến thống nhất không làm chiếc bánh giầy nặng hơn 3 tấn trên.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND thành phố Sầm Sơn, mặc dù thành phố không dâng chiếc bánh giầy này lên đền Hùng (Phú Thọ) nhưng nhân dẫn vẫn có thể tổ chức làm bánh theo ý nguyện ở địa phương.
|
Chiếc bánh giầy nặng hơn 2 tấn được người dân thành phố Sầm Sơn làm để dâng lên đền Độc Cước tại lễ hội truyền thống bánh chưng - bánh giầy diễn ra năm 2017 tại đây (Ảnh: Nguyễn Dương)
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định không đồng tình với đề xuất của UBND thành phố Sầm Sơn về việc làm chiếc bánh giầy trên. Đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có gửi văn bản trả lời cụ thể, phản hồi đề xuất này của UBND thành phố Sầm Sơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, Lễ hội bánh chưng – bánh giầy truyền thống của người dân Sầm Sơn diễn ra tại đền Độc Cước tới đây cũng sẽ diễn ra trên tinh thần không được làm gì đột biến.
Đến thời điểm này, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Sầm Sơn cho biết, địa phương này chưa nhận được văn bản phản hồi của UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến đề xuất làm bánh giầy hơn 3 tấn. Mặc dù vậy, địa phương này sẽ chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cần cẩu được huy động để cẩu...chiếc bánh giầy hơn 2 tấn dâng lên đền Độc Cước năm 2017 (Ảnh: Nguyễn Dương) |
Giải thích về đề xuất làm chiếc bánh giầy nặng hơn 3 tấn trên, đại diện UBND thành phố Sầm Sơn cho rằng, đó là ý tưởng xuất phát từ lòng thành, theo phong tục của người Việt, ngoài ra không có mục đích gì khác và sau khi cung tiến hoàn toàn có thể “chia lộc” để mọi người ăn. Vào tháng 3-2017, người dân Sầm Sơn cũng đã làm chiếc bánh giầy nặng hơn 2 tấn để dâng lên đền Độc Cước tại lễ hội truyền thống bánh chưng – bánh giầy diễn ra tại đây và chiếc bánh này hoàn toàn ăn được. Ước tính chiếc bánh hơn 3 tấn này được làm với kinh phí khoảng 60 triệu đồng và được làm từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Tác giả: Chúc An
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô