Trong tỉnh

UBND huyện Quan Hoá đề xuất 2 phương án khắc phục, xử lý sự cố nhưng… không khả thi

Để khắc phục, xử lý sự cố tại công trình chống sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành, UBND huyện Quan Hoá đã đề xuất 2 phương án. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, cả 02 phương án đề xuất không đều có tính khả thi.

Theo tìm hiểu, ngày 10/8/2022, UBND huyện Quan Hóa có Tờ trình số 106/TTr-UBND gửi Sở Xây dựng Thanh Hoá về việc đề xuất phương án khắc phục, xử lý sự cố công trìnhchống sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành (gửi kèm theo Báo cáo khảo sát địa chất công trình bằng phương pháp đo sâu ảnh điện trở suất 2D, Báo cáo giải pháp xử lý vết nứt và Bản vẽ phương án xử lý). Theo đó, tại tờ trình nêu trên, UBND huyện Quan Hoá đã đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: Neo trong đất để gia cố mái taluy - Neo trong đất (Ground Anchor). UBND huyện Quan Hoá cho biết, đây là hệ thống làm ổn định và chống lại sự chuyển vị quá mức của kết cấu bằng cách truyền tải trọng kéo, nén đặt vào trong lớp địa chất tốt, chịu được tải trọng lớn. Phương án này đã được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam trong các công trình thi công hầm, hố móng đào sâu, móng trụ cầu, trụ điện và gia cố, phòng chống sụt trượt mái dốc. Hệ thống neo trong đất đã được sử dụng cách đây hơn 50 năm và chứng minh được chất lượng và tính ưu việt của nó so với các biện pháp khác trong xây dựng các công trình trong và ngoài nước.

Nguyên lý cơ bản trong thiết kế hệ thống neo đất là tạo ra 02 điểm liên kết, một điểm liên kết với kết cấu chắn giữ đất, điểm kia neo chặt vào trong đất đá để truyểnlực kéo thông qua ma sát (hoặc độ dính bám) tại các mặt tiếp xúc giữa neo và đất đá.

Mục tiêu sử dụng neo là để cải thiện khả năng làm việc của kết cấu tường chắn, khung dầm BTCT, phân phối lại mô men, giữ kết cấu ổn định. Neo cần phải thỏa mãn về độ bền (sức chịu nhổ, chịu kéo) và sự làm việc chung, tương tác lẫn nhau của cả hệ thống.

Về chi phí dự kiến thực hiện phương án 01, tờ trình của UBND huyện Quan Hoá cho biết, nếu độ sâu cung trượt giả định 10m thì chi phí khoảng 38,7 tỷ đồng; nếu độ sâu cung trượt giả định 15m thì chi phí khoảng 53 tỷ đồng; nếu độ sâu cung trượt giả định 20m thì chi phí khoảng 68 tỷ đồng.

Phương án 2: Tháo khô tại các vị trí xuất hiện đới dập vỡ mạnh. Tạo rãnh thoát nước bề mặt, tránh để hiện tượng sói mòn bề mặt khi lượng mưa lớn. Gia cố mái taluy bằng các lớp vải địa kỹ thuật, trồng cỏ để phủ bề mặt mái taluy. Để thực hiện phương án này sẽ phải thực hiện các bước quy trình như: Bóc lớp đất, đá thuộc đới nứt nẻ từ cơ số 2 đến cơ số 8; Khoan tháo khô nước ngầm ra ngoài, giảm áp lực tĩnh, ngăn chặn sự bão hoà của đất, loại bỏ nguyên nhân gây mất ổn định của đất; Đắp bệ phản áp ở phía chân cơ số 1 và số 2 đảm bảo giữ ổn định khối trượt. Bệ phản áp được kết hợp với các lớp vải địa kỹ thuật gia cường.

Theo tính toán của UBND huyện Quan Hoá, chi phí dự kiến thực hiện phương án 02 khoảng 12,4 tỷ đồng.

Trao đổi về các phương án nêu trên, đơn vị tư vấn thiết kế cho hay, do tính chất cấp thiết của dự án và thi công trong mùa mưa nên trong quá trình thi công dự án chưa kiểm soát hết những khó khăn khi thực hiện công tác xử lý mái dốc, do vậy, trên hiện trường sau khi thi công đến cơ số 1 công trình đã xuất hiện vết nứt trên mái taluy.

Đơn vị tư vấn đã khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất 02 phương án. So sánh tổng thể 2 phương án như đề xuất thấy rằng phương án 02 có nhiều thuận lợi hơn, do đây là phương án có chi phí thấp nhất, mặc dù đây là phương án có điều kiện thi công khá phức tạp nhưng phương án này đảm bảo điều kiện về an toàn, thẩm mỹ và góp phần xử lý được vấn đề nứt trên mái taluy. Từ đó đơn vị tư vấn lựa chọn phương án 2 để thực hiện cho giải pháp xử lý vết nứt.

Như vậy, nếu lựa chọn 01 trong 02 phương án nêu trên, rất có thể dự án chống sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành sẽ đội vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước đề xuất của UBND huyện Quan Hóa, Sở Xây dựng Thanh Hoá cho rằng, phương án đưa ra phải an toàn tuyệt đối cho người và tài sản, phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Đối với 02 phương án do đơn vị tư vấn thiết kế và Chủ đầu tư đề xuất tại Tờ trình số 106/TTr-UBND ngày 10/8/2022 chưa được khảo sát, tính toán cụ thể, chưa có tính khả thi, do đó, không có cơ sở để xem xét lựa chọn.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng bày tỏ quan điểm, khi thực hiện bất kỳ một dự án, công trình nào đó, khâu tư vấn thiết kế đóng vai trò hết sức quan trọng, đội ngũ tư vấn thiết kế sẽ khảo sát địa hình và địa chất trước khi xây dựng công trình. Lợi ích của việc lựa chọn đúng tư vấn thiết kế sẽ hạn chế tình trạng lãng phí vật liệu; quá trình thi công công trình, dự án sẽ không bị chắp vá, kéo dài; hạn chế phát sinh chi phí xây dựng..

Tuy nhiên, trong trường hợp này, rất có thể, UBND huyện Quan Hoá đã đánh giá chưa đúng về năng lực, kinh nghiệm của đơn vị tư vấn thiết kế, do đó, khâu khảo sát địa hình và địa chất trước khi xây dựng công trình được cho là có vấn đề.

Bởi lẽ, theo nhận định của Sở Xây dựng Thanh Hoá, vị trí sạt lở nằm trong vùng phân bố chủ yếu là đá phiến sét, bột kết, có điều kiện địa chất không ổn định, đới phong hoá nứt nẻ mạnh đến rất mạnh khá dày, đập vỡ mạnh, vào mùa mưa nước sẽ ngấm vào các khe nứt nẻ, bão hoà tạo ra đới bùng nhùng, mất độ liên kết khối, bề mặt địa hình dốc, bị bóc mòn…

Một đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu địa hình, thổ nhưỡng của địa phương đương nhiên sẽ đánh giá, lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra. Dĩ nhiên, việc chủ đầu tư chi hàng tỷ đồng để thuê một đơn vị tư vấn thiết kế nhưng không mạng lại hiệu quả là dấu hiệu của sự lãng phí, gây thất thoát ngân sách của Nhà nước.

Theo thông tin được công bố, đơn vị tư vấn thiết kế công trình chống sạt lở cụm công trình Công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành là liên danh Công ty CP TVGT&XD công trình 8 – Công ty CP VIFATEC Quốc tế - Công ty PT Công nghệ T&S.

Trong đó, Công ty CP TVGT&XD công trình 8 có địa chỉ tại số 61, ngõ 342, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Lê Huy Khiêm.

Công ty CP VIFATEC Quốc tế có địa chỉ tại số 10, ngách 192/30, đường Yên Duyên, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Bình Dương.

Công ty PT Công nghệ T&S có địa chỉ tại thôn Phong Xá, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Hữu Sơn./.

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok