Giáo dục

Tuyển dụng sai, thừa 400 giáo viên và biệt thự khủng?

Việc hơn 500 nhà giáo ở huyện Krông Păk (tỉnh Đăk Lăk) có nguy cơ mất việc, bị đẩy ra đường, đã khiến dư luận, đặc biệt là giới giáo viên, rúng động.

Hàng trăm nhà giáo đã kéo đến cổng UBND huyện đòi gặp lãnh đạo để kêu cứu, Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) và Công đoàn ngành GD-ĐT phải lên tiếng khẩn cấp. Vì sao lại thế?

Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ở Krông Pắk, Đắk Lắk bức xúc kéo lên UBND huyện phản đối (Ảnh: Cao Nguyên/Người lao động)

Số là liên tiếp 3 đời chủ tịch huyện, ông nào cũng ký tuyển dụng thừa giáo viên, dù chỉ tiêu biên chế đã hết. Kết quả là 588 giáo viên và 80 nhân viên nhà trường đã được ký hợp đồng vượt chỉ tiêu. Ngoài ra, huyện còn đề bạt thừa 32 phó hiệu trưởng. Trong 3 đời chủ tịch huyện đó, thì ông Nguyễn Sỹ Kỷ, chủ tịch huyện từ năm 2011 đến năm 2016, hiện là Phó ban Nội chính tỉnh Đăk Lăk, là người ký tuyển dụng thừa nhiều nhất, tới hơn 400 người.

Câu hỏi đặt ra là: Làm người đứng đầu chính quyền của một huyện, chắc chắn các ông chủ tịch phải nắm rõ “hơn cả lòng bàn tay” số giáo viên mà huyện được phép tuyển dụng hàng năm. Tại sao chỉ tiêu đã hết, mà các ông vẫn hạ bút ký thừa hàng trăm người? Dù biết chắc rằng mỗi giáo viên được tuyển vào làm việc, là ngân sách tốn thêm cả trăm triệu đồng mỗi năm. Các ông ký vì “thương” họ chăng?

Không, không đời nào. Họ đâu có phải con em hay họ hàng ruột thịt nhà các ông. Hay ông chỉ ký cho họ khi họ “có cái gì”? Câu hỏi này hiện còn bỏ ngỏ, và dư luận đang rất nóng lòng muốn UBND tỉnh Đăk Lăk tìm ra câu trả lời.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ là người có ngôi biệt thự “khủng”, trị giá nhiều tỷ đồng, được xây trái phép trên đất nông nghiệp, khiến dư luận xôn xao một thời. Trả lời báo chí về nguồn gốc số tiền xây ngôi biệt thự đó, ông cho biết ngoài giờ làm việc ở cơ quan Nhà nước, ông còn chạy xe ôm thâu đêm suốt sáng. Chẳng ai tin rằng ông chủ tịch huyện hàng đêm lại đi chạy xe ôm. Nhưng nay thì rất nhiều người tin rằng việc ký tuyển dụng thừa chỉ tiêu đến hơn 400 giáo viên và số tiền xây ngôi biệt thự “khủng” của ông chắc chắn có mối liên hệ nhân - quả.

Cứ ký, nếu thừa? Thì người kế nhiệm sẽ sa thải. Bất chấp hàng trăm nhà giáo đã đứng lớp nhiều năm, phút chốc có nguy cơ bị đẩy ra đường, không biết làm việc gì để sống. Đây có phải là cách hành xử theo thói vô lương tâm, bất chấp luật pháp, không đếm xỉa đến hậu quả? Có phải là cách hành xử "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi"?.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là: Trước việc ký tuyển dụng bừa bãi, không chỉ một vài người mà là hàng trăm giáo viên của không chỉ một mà đến ba đời chủ tịch huyện, kéo dài cả chục năm trời, thì Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đăk Lăk ở đâu? Họ có biết chuyện đó không? Nếu không biết, thì Sở và Ban chính là những cơ quan quanh năm lơ lửng trên mây trên gió. Còn nếu biết mà không có ý kiến gì, thì tại sao? Hay lại cũng vì “cái ấy”?

Tác giả: VŨ HỮU SỰ

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok