Tuyển dụng bát nháo
Thực hiện thanh tra chuyên đề công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động một số huyện trên địa bàn, ngày 22/7/2015, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã ban hành Kết luận số 75/KL.TTR đối với UBND huyện Yên Thành. Kết luận nêu rõ rất nhiều sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo UBND huyện Yên Thành trong việc ký hợp đồng tuyển dụng hoặc cho phép các đơn vị trực thuộc và UBND một số xã ký hợp đồng trái luật hàng chục trường hợp.
Kết luận số 75 của Thanh tra tỉnh Nghệ An.
Đáng chú ý trong lĩnh vực giáo dục từ trước 2010 đến 2015, Yên Thành đã ký hợp đồng trái luật với 432 trường hợp. Trong đó bậc mầm non là 114 trường hợp, tiểu học 162 trường hợp và trung học cơ sở là 156 trường hợp.
Tất cả các trường hợp này đều được ký kiểu “tay ngang”, không qua tuyển dụng (xét tuyển hoặc thi tuyển), không được UBND tỉnh cho phép. Điều này đã vi phạm Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức cũng như các văn bản khác và Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 28/10/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị.
Kết luận nói trên của Thanh tra tỉnh Nghệ An nói trên cũng đã yêu cầu lãnh đạo huyện Yên Thành tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân sai phạm.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao cả bộ máy Đảng và chính quyền ở huyện Yên Thành “im như thóc”, không có một bản kiểm điểm nào được đưa ra, không một cá nhân, lãnh đạo nào bị xử lý kỷ luật như kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh?
Không những không kiểm điểm làm rõ sai phạm để xử lý, lãnh đạo UBND huyện Yên Thành, mà trực tiếp là ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện đã bất chấp pháp luật, coi thường Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 16/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An, tiếp tục cho phép ký hợp đồng lao động sai quy định với 55 giáo viên vào dạy học ở các trườngtrên địa bàn trước khi ông này về hưu vài tháng!
Trách nhiệm thuộc về ai?
Giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện thay ông Nguyễn Tiến Lợi đã về hưu, ông Phan Văn Tuyên phải xử lý hậu quả của lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Tuyên ký văn bản số 608/TTr-UBND gửi Thường trực Huyện uỷ Yên Thành xin ý kiến về nguồn kinh phí trả lương cho 55 giáo viên được ông Lợi cho phép ký HĐLĐ trái luật.
Thường trực Huyện uỷ giao UBND huyện kiểm tra lại tính hợp pháp của thông báo cho phép các trường trên địa bàn hợp đồng với giáo viên nói trên.
Ngày 08/12/2015, UBND huyện Yên Thành có Báo cáo số 253/BC-UBND. Báo cáo này đã chỉ rõ 55 thông báo của ông Lợi cho phép ký hợp đồng đối với giáo viên nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức; vi phạm các văn bản của UBND tỉnh và Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 16/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An.
Thông báo cho phép ký hợp đồng trái luật.
Theo đúng quy định thì hợp đồng ký kết với người lao động chỉ được thực hiện khi đã tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển, trong khi đó 55 trường hợp nói trên UBND huyện không tổ chức tuyển dụng mà được ký kiểu “tay ngang” và chưa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép. Chỉ thị số 26CT/TU ngày 16/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã chỉ đạo rõ: “Nghiêm cấm việc tuyển dụng, hợp đồng lao động (dưới mọi hình thức) vượt quá chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, huyện đã chi gần 1 tỷ đồng từ ngân sách để trả lương cho 55 giáo viên cho đến hết ngày 31/5/2016. Ông Tuyên thẳng thắn thừa nhận: “Tỉnh mà cho chủ trương thì tỉnh phải chịu, chứ trường hợp này (việc cho phép ký HĐ-PV) huyện làm thì huyện phải tự chịu”.
Bí thư Huyện uỷ mới nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết đang rốt ráo xử lý hậu quả để lại. “Một là để giải quyết trách nhiệm rõ ràng quyền lợi cho giáo viên hợp đồng, vừa làm đúng quy định của pháp luật, ai sai thì phải chịu tách nhiệm về việc này”, ông Đệ nói.
Được hỏi về việc dùng tiền ngân sách gần 1 tỷ đồng chi trả cho 55 giáo viên nói trên, ông Đệ khẳng định: “Tuyển dụng sai, nên rõ ràng lấy ngân sách để chi trả cũng sai”.
Trong quá trình điều tra viết bài, PV đã gặp gỡ rất nhiều giáo viên nằm trong diện sẽ bị huỷ bỏ HĐLĐ vì ký trái luật nói trên. Bên cạnh việc bức xúc vì đang bị đẩy vào nguy cơ mất việc làm, một số giáo viên cũng đã phản ánh phải dùng tiền để... chạy việc, thành ra "tiền mất, tật mang".
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn