Giáo dục

Tựu trường sớm: Người lớn đã “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ?

TS. Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, ngành Giáo dục nên ngừng việc cho trẻ tựu trường sớm, bởi theo bà, việc làm này đã "đánh cắp" tuổi thơ của trẻ.

Nên giữ nguyên thậm chí tăng thêm

Ông Nguyễn Văn Phê (Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên) cho rằng, thời gian tựu trường như hiện nay là hợp lý và đa số địa phương đã quen thực hiện. "Cần tính toán kỹ nếu giảm thời gian nghỉ hè, bởi nghỉ hè đã thành nếp, có thể chưa phù hợp ở thành phố nhưng lại phù hợp các vùng nông thôn”, ông Phê nói.

Ngoài ra, ông Phê cũng cho rằng cần tăng thời gian ngoại khóa, vui chơi, phát triển kỹ năng sống cho trẻ. “Tại các thành phố, nếu có nhu cầu, phụ huynh nên cho con nhập trường sớm để tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhưng tuyệt đối không để con em mình học văn hóa thời điểm này", ông Phê nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: “Mấy năm nay, Nghệ An triển khai việc nghỉ hè và khai giảng theo lịch của bộ GD&ĐT là phù hợp với địa phương. Việc giảm thời gian nghỉ hè chỉ phù hợp ở các thành phố”.

TS. Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội đồng tình việc ngành Giáo dục nên ngừng việc cho trẻ tựu trường sớm.

“Hiện nay, thời gian nghỉ hè của trẻ gói gọn trong iPad, iPhone, tivi. Thông tin xấu từ khắp nơi đổ về khiến cha mẹ hoang mang, lo sợ và ngày càng thiếu niềm tin vào con cái. Vì vậy, một số trường mở cửa rất sớm để nhận trẻ vào học nhằm giúp cha mẹ yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, nghỉ hè là vấn đề của trẻ, chúng ta cần đặt mình vào vị trí của con để suy tính mọi việc, không nên chỉ nghĩ đến lợi ích người lớn. Những tư tưởng cho rằng cha mẹ bận rộn, cần có ai đó để khoán trắng việc chăm sóc con cái thực sự đã làm khổ trẻ. Trẻ em cần sống, vui chơi trong vòng tay của cha mẹ, không cần những quản giáo coi sóc và quản lý”, bà Hương chỉ ra thực tế.

TS. Vũ Thu Hương.

“Thời gian gần đây, các trường học yêu cầu học sinh tập trung rất sớm. Số trường mà trẻ được nghỉ 2,5 tháng hè đếm trên đầu ngón tay. Hầu như không còn trường nào trẻ được nghỉ hè 3 tháng như trước.

Như vậy, người lớn đã “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ khi tựu trường sớm. Những ức chế tích tụ trong suốt 9 tháng học không đủ thời gian để "xả". Vì thế, trẻ em dễ rơi vào tình trạng bức xúc, stress, ức chế. Kết quả học tập của trẻ cũng giảm sút.

Tôi tha thiết mong các trường ngừng việc triệu tập học sinh sớm. Tôi cũng mong các bậc cha mẹ quan tâm hơn nữa để trẻ có những ngày hè đúng nghĩa. Tôi hy vọng các cháu được khai giảng ngày 5/9 để đón một năm học mới với niềm hứng khởi”, bà Hương nhấn mạnh.

Điều chỉnh là cần thiết

Trái ngược với những ý kiến trên, nhà Tâm lý học, TS. Nguyễn An Chất lại cho rằng: “Việc nghỉ hè đã có cách đây hơn 200 năm và khi đó là cuộc cách mạng công nghiệp 2.0. Hiện nay, chúng ta đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điều chỉnh là cần thiết. Tại các thành phố lớn, những năm gần đây học sinh đã tựu trường từ tháng Tám. Đó là sự phát triển tất yếu của xã hội khi các gia đình không có người trông con vào những ngày nghỉ hè”.

Nhà Tâm lý học Nguyễn An Chất.

“Vì thời gian nghỉ hè dài nên nhiều phụ huynh tranh thủ cho các em học thêm trước chương trình, bước vào năm học mới, các em phải học lại nội dung đã học dẫn đến sự nhàm chán, ảnh hưởng đến tư duy, sáng tạo. Chúng ta cần bàn bạc nghiên cứu kỹ thời gian rút ngắn sao cho hợp lý. Đây không phải là việc của riêng bộ GD&ĐT mà là sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Cần thay đổi làm sao để trẻ tới trường cảm thấy vui, cha mẹ yên tâm”, ông An Chất nói.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok