Du lịch

Tưng bừng lễ hội Trâu rơm, bò rạ

Như thường lệ, ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất, người dân xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lại nô nức tập trung tại sân đình tham gia lễ hội “Trâu rơm bò rạ” để khởi động cho năm mới lao động hăng say hơn.

Những chú trâu bò bằng rơm rạ.

Múa trình diễn trâu rơm bò rạ là trò đã có từ lâu đời ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường - một vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Hồng có lịch sử ngàn năm văn hiến. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên Đán, khi hai làng Bích Đại và Đồng Vệ vào đám, nhân dân Đại Đồng lại háo hức đón chờ trò trình diễn trâu rơm bò rạ.

Tuy là hai làng nhưng Bích Đại và Đồng Vệ cùng chung đình, chung đám, chung hội hè. Cả hai làng cùng thờ Đinh Thiên Tích- vị tướng có công đánh đuổi giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6.

Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc Ân, Đinh Thiên Tích đem quân về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Đáp lại mong muốn của dân làng “làm cho làng mỗi ngày một thêm đông người, nhiều của”, vị tướng giỏi của vua Hùng đã bày ra phép rước cầu, mọi người mặc áo xanh, đỏ vác cày và bện trâu bằng rơm, nam đóng giả nữ, nữ đóng giả nam đem theo những mủng trấu để tung khắp cánh đồng, tượng trưng cho ngày hội toàn dân xuống đồng.

Nhân dân làng Bích Đại đã xây dựng một ngôi đình để thờ phụng tướng quân Đinh Thiên Tích, và trò trình trâu rơm bò rạ vẫn được lưu giữ, trở thành một nét văn hóa nổi bật của mỗi kì hội làng để tưởng nhớ đến ông.Theo lời kể của các cụ già trong làng, vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên Đán, mỗi nhà có trâu và “sạch bụi”, không có tang đều phải “sắm” một con trâu, bò bằng rơm, rạ đem ra sân đình làm lễ.

Rơm rạ đã được chuẩn bị từ mùa gặt năm trước và bện thành trâu, bò vào dịp cuối năm. Trâu rơm, bò rạ này được buộc theo một cái cày đã tháo lưỡi; một người đàn ông đóng vai trâu, bò, một người đàn ông khác cầm cày.

Các thiếu nữ dưới 20 tuổi cắp thúng trấu giả cách vãi giống. Một vài người khác trong vai câu ếch, úp cá và các trẻ em trong vai mục đồng. Buổi sáng xuân đẹp trời, trên sân đình, các vai diễn tham gia trò trình với trang phục và đạo cụ đặc trưng bắt đầu trình diễn trong nhịp trống chiêng rộn rã và tiếng hát mượt mà của các làn điệu dân ca: chèo, xoan, xẩm:

Làng trên xóm dưới, vui hội ngày xuân

Nào trâu kéo khỏe có bò sánh bên

Vãi giống, ươm tơ, quê ta thóc lúa đa đề

Trong không gian là sân đình, ao đình ngày Tết - nơi hội tụ những gương mặt rạng rỡ, hồ hởi của hết thảy dân làng, trò trình diễn ra không giới hạn thời gian, mọi người có thể tham gia trong suốt những ngày tổ chức hội làng.

Với mục đích là trình bày, giới thiệu về nghề canh nông - một nghề chính và lâu đời của làng, trò trình diễn trâu rơm bò rạ thể hiện nguyện vọng của người dân Đại Đồng: cầu mong sự bảo trợ, phù hộ của thần linh, thành hoàng để cây cối tốt tươi, gia súc, gia cầm không ngừng sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Không chỉ trình diễn trâu rơm bò rạ, vào ngày hội làng, hai làng Bích Đại và Đồng Vệ còn có trò trình tứ dân chi nghiệp với các vai: nông dân, thầy đồ và học trò, thợ mộc, lái buôn tượng trưng cho bốn tầng lớp trong xã hội: sĩ, nông, công, thương cùng nhiều lễ rước như rước kiệu, rước kén tằm, tục rước “ông bô”… Chính vì vậy, ngày hội làng thường thu hút rất đông khách thập phương đến dự.

Tác giả: Quang Vinh

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

  Từ khóa: bò rạ , Trâu rơm , lễ hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok