Nhân ái

Gia cảnh khó khăn của cặp vợ chồng bị vùi lấp bên chân cầu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 ở Thanh Hóa

Vợ chồng anh Thắng đèo nhau bằng xe máy đi buôn hải sản trong đêm mưa bão thì gặp nạn khi cầu Yên Hòa bị sạt lở vì ảnh hưởng của cơn bão số 2. Họ mất đi nhưng 4 người con vẫn đang ở xa.

Chiều 4/7, căn nhà nằm bên triền đê thôn Cao Bắc (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đông người hơn thường lệ. Từ sáng sớm, người dân địa phương tập trung về đây để lo hậu sự cho vợ chồng anh Nguyễn Như Thắng, chị Nguyễn Thị Yến (cùng 46 tuổi), nạn nhân trong vụ sụt mố cầu sau bão số 2 ở Thanh Hoá.

Mưu sinh trong bão tố

Chiếc rạp được dựng vội. Phía trong sân, hai chiếc quan tài để sẵn chờ đến giờ khâm liệm. Con đường lầy lội dẫn vào nhà anh Thắng cũng vừa được hàng xóm đổ một lớp đất mới nhằm thuận lợi cho việc đưa tang.

Nét mặt buồn bã, anh Nguyễn Minh Tân (là anh họ của nạn nhân Nguyễn Như Thắng) cho biết trên Zing, vụ việc xảy ra quá đột ngột khiến ai cũng đau buồn. Gia đình anh Thắng có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ chồng anh Thắng sinh được 4 người con, ba gái, một trai. Gia đình còn có mẹ già năm nay 70 tuổi, hay đau ốm. Cặp vợ chồng làm nghề buôn bán hải sản để kiếm sống.

Hàng xóm đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Ảnh: báo Vietnamnet

Nhờ nghề này, họ nuôi các con trưởng thành. Hàng ngày, hai vợ chồng ngư dân dậy từ 2h sáng. Họ đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi mưu sinh.

“Mấy hôm nay biển động nên cô chú ấy không đi mua hải sản. Rạng sáng nay, nghĩ sau bão bà con sẽ đi biển, nên cô chú ấy đi xe máy, chở theo mấy khay nhựa rồi vào Nghệ An theo tuyến đường ven biển để mua hàng. Không ngờ, đến cầu Yên Hòa thì gặp nạn. Lúc cô chú ấy đi, là thời điểm trên địa bàn xã có mưa lớn kèm theo gió lớn. Chắc do mưa to, khuất tầm nhìn nên không thể phát hiện đường bị sụt. Cả hai vợ chồng đều ra đi. Khổ thân quá”, anh Tân nói trên báo Thanh Niên.

Hai chiếc quan tài để sẵn ở trước nhà đợi giờ khâm liệm. Ảnh: báo Zing.

Theo nhiều người dân địa phương, gia đình anh Thắng là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn và sống chan hòa với hàng xóm, láng giềng.

“Vợ chồng cô chú ấy hiền và làm ăn siêng lắm. Cũng vì thế, mà dáng dấp họ lúc nào trông cũng gầy gò, khắc khổ”, bà Trương Thị Kha (48 tuổi, hàng xóm nhà anh Thắng) nói trên báo Zing.

Bố mẹ mất nhưng các con chưa về kịp

Ngồi bên 2 quan tài đang còn mở nắp, bà Lê Thị Hiền (72 tuổi, cô ruột) buồn bã kể trên báo Vietnamnet: “Vợ chồng nó cùng tuổi. Nhà có 4 người con (3 gái, 1 trai).

Do hoàn cảnh khó khăn, cả 4 đều nghỉ học sớm. Hai con gái đầu đã lập gia đình, con gái thứ 3 sinh năm 2000 đi làm thuê ở Hà Nội. Thằng út mới 16 tuổi cũng đã nghỉ học, vào miền Nam tìm việc.

Người thân khóc nghẹn bên thi thể các nạn nhân. Ảnh: báo Thanh Niên.

Hai đứa con gái đầu lấy chồng khác huyện, cuộc sống khó khăn nên cũng phải đi làm ăn xa. Chính vì vậy mà khi bố mẹ bị tai nạn mất nằm ở nhà cả ngày trời nhưng chúng nó vẫn chưa về kịp để phát tang”.

Cũng theo nhiều hàng xóm, vợ chồng anh Thắng cùng mẹ già và các con trước kia sống trong căn nhà lụp xụp. Năm ngoái, họ vay mượn ngân hàng cả trăm triệu đồng cộng với số tiền tích góp lâu nay mới cất được căn nhà mới.

“Họ mất đi, số tiền nợ vẫn còn đó. Cháu lớn lấy chồng, các cháu nhỏ thì làm chắc mới chỉ đủ nuôi thân, giờ không biết sao đây. Mong các cấp chính quyền, ngân hàng xem xét, coi có cách nào giúp đỡ các con cô chú ấy với”, bà Trương Thị Kha chia sẻ trên báo Zing.

Hiện trường vụ sập cầu. Ảnh: báo Zing.

Như trước đó đã đưa tin, do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều 3/7 đến rạng sáng 4/7 tại khu vực Nghi Sơn có mưa lớn. Vào khoảng 3h sáng 4/7, khi 5 người trong đó có vợ chồng anh Thắng đang di chuyển trên 3 xe máy trên đường 513 thì bất ngờ đường sụt lún, khiến cả 5 người bị vùi lấp cùng xe máy.

Khi lực lượng chức năng cứu hộ có mặt tại hiện trường thì vợ chồng anh Nguyễn Như Thắng (SN 1973) và vợ mình là chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1973) trú thôn Cao Bắc, xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tử vong.

Tác giả: Nguyễn Thúy

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok