Kinh tế

Tự tạo cơ hội: Trồng bưởi kết hợp làm du lịch

Anh Nguyễn Thành Tâm ở TP.Cần Thơ vừa trồng bưởi, vừa đưa khu vườn của mình vào khai thác du lịch, mang lại nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Anh Tâm thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn bưởi. Ảnh: Hương Giang
Vườn bưởi có diện tích gần 9.000 m2 của anh Tâm (37 tuổi, ngụ P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) là một trong những vườn cây ăn trái tươi tốt nhất cồn Sơn, một cồn đất nhỏ nổi lên giữa sông Hậu, dù thuộc địa bàn nội thành nhưng vẫn còn hoang sơ, dân dã. Anh Tâm cho biết, cha của anh là những cư dân đầu tiên từ đất liền đến khai phá đất đai, lập vườn cây ăn trái ở cồn này.

Trước đây, vườn của gia đình anh chủ yếu trồng nhãn long nhưng do nhãn rớt giá liên tục, anh quyết định đốn bỏ để chuyển toàn bộ diện tích sang trồng bưởi năm roi, loại bưởi đặc sản của miệt vườn vùng sông Hậu.

Sau hơn 10 năm đầu tư cải tạo, đến nay khu vườn của anh Tâm có tổng cộng 360 gốc bưởi được trồng thành hàng thẳng tắp, tới vụ cho trái sai trĩu cành. Mỗi công đất (1.000 m2) anh trồng từ 60 - 70 gốc, cách nhau khoảng 6 m để tạo khoảng trống cho cây phát triển. Vườn bưởi cho trái 2 vụ/năm, vụ chính từ tháng 4 - 5 âm lịch và vụ tết vào tháng chạp.
Theo anh Tâm, bí quyết để bưởi ra hoa đậu trái cao là sau thu hoạch cần tỉa bớt cành, tát mương cho cạn nước để cây bưởi tưởng rằng đang vào mùa khô. Đến thời điểm cần cho cây ra bông thì bơm nước vào mương, tưới và bón phân liên tục trong vòng 10 ngày. Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng, anh tiếp tục bón phân để kích thích trái lớn nhanh, ngọt và nhiều nước.

Mấy năm gần đây, vườn bưởi năm roi của anh đều trúng mùa, đạt năng suất khoảng 1,5 tấn trái/công/năm. Hiện bưởi năm roi bán rất được giá, thương lái đến tận vườn thu mua với giá trung bình 30.000 đồng/kg, riêng vụ tết có thể lên đến 75.000 - 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lời từ 35 - 40 triệu đồng/công.

Năm 2015, cồn Sơn bắt đầu được đưa vào khai thác du lịch cộng đồng. Những nông dân quanh năm chỉ biết vườn ruộng như anh Tâm cũng bắt tay vào làm. Để tạo nét đặc trưng của du lịch sinh thái miệt vườn, anh giữ nguyên hiện trạng vườn bưởi, chỉ tỉa cành nhánh cho gọn gàng và làm sạch cỏ.

Bên cạnh đó, anh sửa sang căn nhà gỗ từ thời cha mẹ anh và cất thêm tum phía sau để có chỗ mắc võng, đặt mấy bộ bàn ghế cho khách nghỉ chân. Du khách đến cồn Sơn, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích thú khi được tham quan vườn cây xanh mát, tự tay hái trái và thưởng thức bưởi ngay tại chỗ. Anh còn tổ chức cho du khách trải nghiệm cuộc sống của nông dân qua các hoạt động như đi cầu khỉ hay câu cá, bắt ốc...

Đặc biệt là tát mương bắt cá bằng gàu sòng. Sau nhiều giờ mò tìm dưới bùn, “chiến lợi phẩm” mà du khách thu được là những con cá còn đang giãy. Khách du lịch có thể tự tay chế biến những món ăn đậm chất đồng quê từ những con cá, con ốc vừa bắt được như: cá lóc nướng trui, cá hấp hèm, ốc nướng… ăn kèm với các loại rau được hái từ vườn nhà. Ngoài ra, anh còn sắm thêm 2 chiếc đò chèo, 1 chiếc xuồng máy đuôi tôm để đưa rước hay phục vụ khách du lịch muốn tham quan một vòng cồn Sơn. “Du khách thích thú lắm, vì họ tận hưởng được cái không khí của miệt vườn sông nước, đặc biệt là sự chân chất, mến khách của người dân miền Tây”, anh Tâm chia sẻ.

Từ đầu năm tới nay, số lượng khách đến tham quan vườn bưởi của anh Tâm khá ổn định, trung bình mỗi tháng anh đón từ 300 - 400 lượt khách. Số tiền bán vé vào cửa và các dịch vụ khác giúp anh có thêm nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sắp tới, anh dự định sửa sang căn nhà gỗ thành homestay phục vụ lưu trú dài ngày để du khách có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống của người nông dân miệt vườn Nam bộ.

Anh Tâm sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai quan tâm qua số điện thoại 0909362300.

Tác giả bài viết: Hương Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok