Tối 17/5/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an huyện Đông Sơn bất ngờ đột kích vào một ngôi nhà 3 tầng ở thôn Yên Doãn, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, giải cứu thành công 12 nữ nhân viên phục vụ các quán hát karaoke đang bị khống chế, giam lỏng tại đây.
Qua kiểm tra, sàng lọc đối với các nữ nhân viên này, thì đa số họ đều có độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi và đến từ các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương (tỉnh Nghệ An), Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), Phước Thiện (tỉnh Gia Lai)...
Tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1998, ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn) để điều tra, làm rõ hành vi “giữ người trái pháp luật”.
Theo điều tra của cơ quan Công an, Lê Văn Tiến (SN 1994), ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn là đối tượng chuyên chăn dắt, bắt ép các phụ nữ phục vụ tại các quán hát karaoke trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và một số địa bàn lân cận.
Những cô gái được giải cứu tuổi chỉ từ 13-16 tuổi |
Để thu hút những em gái nhẹ dạ cả tin, Tiến đã thuê Trần Quốc Tuấn và một số đối tượng khác thường xuyên đăng thông tin trên mạng xã hội tìm kiếm nhân viên phục vụ tại các cửa hàng buôn bán quần áo, nhà hàng ăn uống... với mức lương cao.
Khi có người mắc bẫy, các đối tượng này sẽ đón về nơi tập kết và ép buộc đi phục vụ các quán hát karaoke. Nếu trường hợp nào không đồng ý, các đối tượng bắt nhốt vào phòng trọ, sau đó hành hạ, đánh đập, đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và làm theo yêu cầu của chúng.
Hiện, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Quốc Tuấn về hành vi “giữ người trái pháp luật”; đồng thời truy bắt Lê Văn Tiến để điều tra, làm rõ vụ án.
Căn nhà giam giữ nhiều cô gái trẻ bị phát hiện |
Vụ án đang trong quá trình điều tra làm rõ nhưng không loại trừ khả năng đứng đằng sau Lê Văn Tiến (sinh năm 1994) và Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1998) còn có tú ông/tú bà khác.
Theo giả định, 2 thanh niên còn trẻ tuổi như Lê Văn Tiến và Trần Quốc Tuấn không thể vận hành được đường dây ép gái đi phục vụ quán karaoke trên địa bàn các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và một số địa bàn lân cận. Hơn nữa, nhốt và giam lỏng gần 2 chục con người chắc chắn phải có một thế lực rất đông.
Tuy vậy, Lê Văn Tiến (bỏ trốn) và Trần Quốc Tuấn trước mắt đang bị điều tra, làm rõ hành vi “giữ người trái pháp luật”. Với tội danh "giữ người trái pháp luật" sẽ bị xử theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, tùy thuộc mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội sẽ phải chịu khung hình phạt khác nhau, cụ thể:
Khung thứ nhất: Người nào bắt, giữ người trái pháp luật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 (Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi) hoặc Điều 377 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Khung thứ hai: Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung thứ ba: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 - 12 năm:
- Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
- Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối tượng Trần Quốc Tuấn bị công an bắt giữ |
Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện ra những đối tượng trên bắt giữ, giam lỏng nhiều cô gái với ý định bán sang Trung Quốc thì hình phạt khác sẽ được áp dụng.
Hành vi buôn bán phụ nữ và trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống buôn bán người số 66/2011/QH12. Tại Điều 3 của luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi mua bán phụ nữ; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Luật này cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan trong việc phòng, chống buôn bán người.
Theo quy định của pháp luật hình sự, những người có hành vi vi phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 119 và 120 của Bộ luật Hình sự, như sau: Điều 119 Tội mua bán phụ nữ:
1. Người nào mua bán phụ nữ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: a) Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; b) Có tổ chức; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Để đưa ra nước ngoài; đ) Mua bán nhiều người; e) Mua bán nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 120 Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em:
1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Vì động cơ đê hèn; d) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; đ) Để đưa ra nước ngoài; e) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; g) Để sử dụng vào mục đích mại dâm; h) Tái phạm nguy hiểm; i)
Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.
Tác giả: Xuân Diệp
Nguồn tin: Báo KIến thức