Từ đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính, các chuyên gia đã phân tích những ảnh hưởng của ý định này đối với kinh tế - xã hội và cho rằng có thể có những cách tiếp cận khác thay vì nhắm đến chuyện tăng thuế.
Đánh vào người nghèo
Dưới góc nhìn của người làm công tác thống kê, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng thuế GTGT là loại thuế gián thu, tức là doanh nghiệp (DN) đóng hộ người tiêu dùng. Như vậy, tăng thuế GTGT thì toàn dân sẽ phải gánh chịu mức tăng khi tiêu dùng tất cả sản phẩm hàng hóa, không phân biệt hàng sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Ảnh hưởng của thuế GTGT đối với GDP được tính theo công thức GDP = tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế GTGT. Việc tăng thuế GTGT nếu nhìn thoáng qua tưởng chừng có thể làm tăng GDP trong tức thời nhưng thực tế lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau. Vì tăng thuế GTGT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng theo. Như vậy, thực chất GDP không tăng lên mà thậm chí giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo, tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ khó khăn.
Thuế GTGT tác động đến toàn dân nên cần được nghiên cứu kỹ trước khi quyết định điều chỉnh Ảnh: Tấn Thạnh |
Đánh giá tác động ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia Bùi Trinh nhận định Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT bên cạnh việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân. Vì tại Việt Nam, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người hằng tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp có xu hướng dãn ra. Năm 2010, mức chênh lệch là 9,2 lần nhưng đến năm 2014 lên 9,7 lần. Tăng thuế GTGT sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn và nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Thuế GTGT có tác động đến toàn dân, giống như vãi thóc cho đàn gà, gà to nhỏ đều ăn hết. Nên phải cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì sắc thuế này không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu (thuế thu nhập DN - TNDN, thuế TNCN). Nâng vài phần trăm mức thuế là đã tác động rất lớn đến ngân sách, ngân sách có lợi, dễ thu, kết quả nhanh nhưng lại không có tác động tích cực đến DN và người dân vì sẽ khiến giá cả tăng, làm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng giảm đi, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu".
Xem lại mục đích tăng thuế
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Marketintello, đánh giá lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế là do nợ công tăng cao; thu ngân sách không đủ bù chi, phải tăng thuế để bù đắp thâm hụt. Nhưng tăng thuế GTGT cần đặt trong lộ trình tổng thể các giải pháp về thuế, cùng với đó phải giảm thuế trực thu. Giảm thuế TNDN để tạo sức cạnh tranh cho DN, còn giảm thuế TNCN để thu hút, giữ chân người tài. Thế giới đang có xu hướng chuyển sang giảm thuế TNDN, thuế TNCN chuyển sang thuế tiêu dùng. Việt Nam mặc dù gần đây đã giảm thuế TNDN, ở lần điều chỉnh này cũng giảm thuế TNCN nhưng chưa trở thành xu hướng. Việc này đòi hỏi Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế GTGT phải đưa ra được lộ trình giảm các thuế trực thu để tính toán giảm được gánh nặng gì cho DN... Nếu tiếp cận theo cách này thì đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính có thể là một xu hướng tích cực. Nhưng tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách thì cần xem xét lại, phải đặt vấn đề giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên để giảm thâm hụt ngân sách, giảm áp lực nợ công. Khi đó, áp lực tăng thuế sẽ giảm. Thuế GTGT là nguồn thu tốt nhất trong các sắc thuế vì bất kể người nghèo hay giàu đều phải nộp thuế qua hành vi tiêu dùng và khả năng trốn thuế là thấp hơn so với các loại thuế khác. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thuế GTGT chiếm khoảng 27%-28% tổng thu từ thuế và là mức thu cao nhất trong các sắc thuế, trên cả thuế TNCN, TNDN. "Rõ ràng là Bộ Tài chính cũng nhìn ra được hướng thu thuế GTGT có tính khả thi trong mục đích tăng thu ngân sách nhưng cần xem xét tính mục đích khi đưa ra đề xuất này" - ông Đinh Tuấn Minh kiến nghị.
Cũng cần lưu ý mọi chính sách cải cách thuế phải có lộ trình, khi đề xuất cần phân tích và thông báo rõ ràng cả về thời gian áp dụng để có đủ thời gian để điều chỉnh, không tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh và người dân.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng thâm hụt ngân sách là căn bệnh kinh niên của Việt Nam do chi tiêu quá lớn. "Có lần làm việc với Thống đốc Singapore, tôi nêu câu hỏi về thâm hụt ngân sách thì ông bảo Việt Nam đã có 11 đoàn sang thăm trong 2 năm gần đây và cũng hỏi như vậy. Chi phí đi nước ngoài quá lớn, rồi còn tuyển dụng, đề bạt, cấp phòng có 80%-90% nhân sự là lãnh đạo thì ngân sách nào chịu nổi. Cơ cấu lại ngân sách nên đi theo hướng tiết kiệm chi" - ông Nghĩa nói.
Việc tăng thuế GTGT sẽ làm giảm hiệu quả của các giải pháp kích thích tiêu dùng mà chính sách tiền tệ đang hướng tới. Như vậy, tăng thuế sẽ dẫn đến tình trạng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa không phối hợp được với nhau. (Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa) Đề xuất giảm ít, tăng nhiều? Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), nếu thuế GTGT các mặt hàng tăng thêm 2% có thể giúp ngân sách thu thêm 59.000 tỉ đồng, từ đó tăng tỉ trọng thu ngân sách từ thuế GTGT của Việt Nam lên 33%. Theo các chuyên gia, tỉ lệ này là quá cao. Đề xuất giảm thuế TNDN cho DN siêu nhỏ còn 15%, DN nhỏ và vừa còn 17% mà Bộ Tài chính đưa ra cùng thời điểm với tăng các loại thuế trên sẽ không mang lại nhiều tích cực, nhất là khi vẫn tăng thuế GTGT. "Mục đích của đề xuất này vẫn là nhằm tăng thu thuế và giảm sự phụ thuộc của Bộ Tài chính vào một số ít nguồn thu như hiện nay. (Nguồn: Công ty Chứng khoán TP HCM) Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh: Có thể dung dưỡng cho "vung tay quá trán" Thứ nhất, người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Vì vậy, tăng thuế GTGT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn nên khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng. Thứ hai, tỉ trọng đóng góp của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - những nước có thuế suất GTGT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất GTGT phổ thông hiện nay của Việt Nam là 10% nhưng đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, thuế suất phổ thông trung bình của EU là 21,3% nhưng thuế GTGT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28%-29% GDP. Việc tăng thuế GTGT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách "vung tay quá trán" hay các dự án ngàn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.T.Hà - P.Nhung |
Tác giả: Tô Hà
Nguồn tin: Báo Người lao động