Trong buổi họp báo tại UBND quận Cầy Giấy thông tin về vụ việc học sinh tử vong trên xe bus, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD- ĐT quận Cầu Giấy khẳng định trên địa bàn quận không có trường nào là trường “quốc tế” mà chỉ có các trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Việc có thêm chữ quốc tế - International trong tên trường như trường Quốc tế Gateway (Gateway International School) cũng chỉ là cách để nhà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh.
Như vậy có thể thấy trong Luật giáo dục không hề có khái niệm “trường quốc tế”. Thế nhưng từ tên cổng trường hay các hoạt động của nhà trường GateWay đều có gắn thêm từ “quốc tế”.
Hiện nay chỉ tồn tại 3 loại hình trường học là trường công lập, dân lập và tư thục (trường này có thể được đầu tư bởi nước ngoài).
TS.Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục cho hay: “Việc trưởng phòng giáo dục quận Cầu Giấy khẳng định không có trường nào gọi là trường quốc tế là thông tin mà bất cứ người làm giáo dục nào đều không quá ngạc nhiên. Nhưng tôi có thể chắc chắn đó là thông tin mà nhiều phụ huynh hết sức bất ngờ.
Phụ huynh thì luôn nghĩ một khi nhà trường đã gắn thêm từ “quốc tế” trong tất cả các hoạt động quảng bá, giao dịch thì chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đâu là Phòng GD&ĐT cũng như Bộ GD&ĐT phải biết. Nhất là khi họ tự xưng là “trường quốc tế” lâu như vậy nếu có vấn đề gì không đúng luật thì đã bị xử lý ngay.
Thế nhưng, một thời gian dài lại không có bất cứ “trường quốc tế” tự xưng nào bị xử phạt mặc dù họ đã để tên không đúng. Qua sự việc này cho thấy sự quản lý rất lỏng lẻo nhất là sau vụ việc trường GateWay tại sao Sở GD&ĐT cũng như Bộ GD&ĐT tại sao thời gian qua vẫn để như vậy”.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường.
Trong trường hợp các trường học tư thục không có giáo trình nước ngoài, không có chương trình học của nước ngoài, không có giáo viên nước ngoài mà lại tự nhận là trường quốc tế để thu tiền cao hơn các trường tư thục khác thì hành vi này là gian dối trong lĩnh vực đào tạo, tùy vào tính chất mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên. Như vậy, tại Việt Nam chưa có quy định về trường quốc tế và cũng không có văn bản hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này. |
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Infonet