Trước đó, từ phản ánh của một số trạm y tế xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân về việc không hề nhận được bất kỳ một khoản hỗ trợ tiền mặt nào để chi cho các hoạt động chuyên môn. Sở Y tế Thanh Hóa đã thành lập đoàn thanh kiểm tra để xác minh, làm rõ, đồng thời Sở cũng yêu cầu tất cả Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố cần công khai, minh bạch khoản chi thường xuyên cho các trạm y tế xã biết tránh sự “mập mờ” không đáng có.
Theo ghi nhận của PV, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân thừa nhận, trong 2 năm 2015 và 2016 do phải ưu tiên chi cho chế độ con người và tập trung cho các xã xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế, cho nên các khoản chi thường xuyên cho các trạm y tế xã cũng hạn hẹp.
Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân khẳng định thực hiện chi thường xuyên đúng quy định |
Theo Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hoá, từ năm 2017 đến nay, việc thực hiện chi thường xuyên cho các trạm y tế với mức 15 triệu đồng/trạm/năm đã được thực hiện đúng quy định. Đồng thời các khoản thu, chi đã được Trung tâm Y tế công khai dự toán tại Hội nghị giao ban với các Trưởng, Phó các khoa phòng của Trung tâm và Trưởng Trạm Y tế xã ngay sau khi có Thông báo về việc Giao dự toán thu, chi Ngân sách Nhà nước của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá cho đơn vị. Trên thực tế, do trạm y tế xã không có biên chế kế toán nên kế toán Trung tâm Y tế huyện phải lập kế hoạch dự toán và quyết toán chung cho tất cả các trạm y tế xã.
“Với mức 15 triệu đồng/trạm/năm thì trung bình mỗi trạm chỉ được hỗ trợ 1.250.000 đồng/tháng. Số tiền chi thường xuyên này là rất hạn hẹp. Trung tâm phải lập kế hoạch hỗ trợ đầy đủ cho các trạm y tế xã với nhiều các khoản chi như văn phòng phẩm, hồ sơ sổ sách theo quy định 10 chuẩn y tế, sách chuyên môn, đồng phục y tế, internet, sửa chữa máy vi tính, máy in, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vv…”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân Ngô Thị Hoa cho biết.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn, Trung tâm còn tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho tất cả các cán bộ, nhân viên y tế từ huyện đến xã và thôn. Trung tâm Y tế huyện tăng cường cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở Y tế, các Bệnh viện và các Trung tâm Y tế tuyến tỉnh đào tạo (Siêu âm tổng quát, Siêu âm Sản phụ khoa, chương trình chuyên môn về đỡ đẻ an toàn, khám và điều trị bệnh sản, phụ khoa, đặt vòng, chuyên khoa hô hấp, tâm thần, tư vấn - xét nghiệm - điều trị HIV,...) và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác. Trong công tác chỉ đạo cơ sở, Trung tâm Y tế huyện đã phân công cán bộ tăng cường về các Trạm Y tế xã để hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hoạt động chuyên môn. Về thực hiện các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai đến 41/41Trạm Y tế xã.
Về tiền công vận chuyển vắc xin, bà Hoa khẳng định đã chi trả đầy đủ cho cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp đi vận chuyển và có cả hồ sơ ký nhận của các cán bộ này với số tiền 30.000 đồng/tháng. “Nhìn chung các Trạm đều thực hiện ghi sổ thu chi tài chính tại Trạm Y tế đầy đủ. Tuy nhiên, tại một số Trạm, một số cán bộ đã nhận tiền công vận chuyển từ Trung tâm Y tế nhưng lại không thông báo cho Trạm trưởng để ghi vào sổ theo dõi cho nên dễ gây hiểu lầm. Trung tâm cũng đã yêu cầu cán bộ phải công khai về khoản tiền này”, bà Hoa nói.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý