Trong tỉnh

Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân bớt xén tiền chi thường xuyên của các trạm y tế xã?

Nhiều trạm y tế xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không được nhận kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên theo quy định, gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn.

Theo Nghị quyết số 25/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quy định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 ổn định đến năm 2020, mức chi thường xuyên của trạm y tế xã/phường/thị trấn được phân bổ theo vùng miền như sau: Thành phố, thị xã 12 triệu đồng/trạm/năm; Đồng bằng 15 triệu đồng/trạm/năm; Miền núi 20 triệu đồng/trạm/năm.

Tuy nhiên, gần 5 năm qua, tại một số trạm y tế xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân lại không hề có bất kỳ một khoản hỗ trợ tiền mặt nào để chi cho các hoạt động chuyên môn. Đổi lại, các trạm chỉ được Trung tâm y tế huyện Thọ Xuân cấp văn phòng phẩm hoặc thiết bị văn phòng hàng năm. Một số trạm phải huy động cán bộ trích tiền lương ra để chi trả các khoản chi phí hàng tháng như giấy mời, tiền mua bông, găng tay, điện thắp sáng, internet,…

Bà Ngô Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân trao đổi với PV

Một y tá của trạm y tế xã ở huyện Thọ Xuân (xin được giấu tên) cho biết: “Để có tiền chi trả cho các hoạt động như tiền điện thắp sáng, internet, mua giấy in, giấy mời,…đặc biệt là mua bông băng, găng tay để tiêm, chúng tôi phải móc tiền túi hàng tháng ra để mua. Những năm trước đây thì có hỗ trợ vài ba thứ như xà bông, chổi, khăn mặt, cộng lại cũng được gần 200 nghìn, nhưng hai năm trở lại đây thì không có đồng nào”.

Tương tự, là nhân viên của một trạm y tế xã cũng trên địa bàn, anh H cho hay: “Trước đây mỗi lần tôi đi nhận vắc xin trên Trung tâm Y tế huyện đều được hỗ trợ tiền công vận chuyển, giờ thì không có nữa. Mỗi khi tiêm chủng thì bông, găng tay đều thiếu, muốn mua chúng tôi cũng không biết địa chỉ ở đâu để mua, khi tiêm phòng cho trẻ em có bị sốc thuốc thì cũng tự móc tiền túi ra mà mua thuốc”.

Một vị Trạm trưởng trạm y tế trên địa bàn huyện Thọ Xuân khẳng định: “Mỗi tháng trạm chỉ nhận được một số văn phòng phẩm từ Trung tâm Y tế cấp, không hề có bất kỳ một khoản hỗ trợ tiền mặt nào để chi cho các hoạt động chuyên môn”.

Vị Trạm trưởng này cũng cho biết thêm, công tác khám bảo hiểm y tế tại trạm rất ít vì người dân hầu hết đều lên thẳng Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện để khám, chữa bệnh. Các loại thăm khám dịch vụ cũng rất thưa thớt nên dẫn đến tình trạng thiếu tiền thu từ nguồn xã hội hóa, và cũng đồng nghĩa với việc nhân viên phải bỏ tiền lương ra để chi trả tiền điện, internet…là điều không tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề này, bà Ngô Thị Hoa – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân khẳng định: “Tiền phí tiêm chủng nằm trong định mức của tỉnh nên không có, phí cho bảo vệ, tiền điện thắp sáng tự lấy từ xã hội hóa chứ không chi từ tiền nghiệp vụ”.

Còn về số tiền chi nghiệp vụ 15 triệu/trạm/năm, bà Hoa trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi không chi tiền mặt về các trạm mà mua văn phòng phẩm chuyển trực tiếp về các trạm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện thiếu vật tư như phản ánh cũng một phần do ngân sách từ Sở Tài chính tỉnh cấp về chậm, ví dụ của năm 2017 thì năm 2018 mới triển khai, từ năm 2018 các trạm sẽ đủ chứ không như những năm trước nữa”.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lê Hữu Uyển - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y thuộc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, Sở đã thành lập đoàn thanh kiểm tra để xác minh, làm rõ. Sau khi có kết quả kiểm tra, Sở sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”.

Tác giả: Tùng Anh

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok