Thầy cô luôn bên cạnh đồng hành cùng các học viên |
Cái nôi nuôi dưỡng cán bộ
Trung tâm GDNN - GDTX Như Thanh nằm trên một khu đồi thuộc thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm từng “mang tiếng một thời” với nhiều định kiến và vì thiếu đủ thứ: thiếu phòng, thiếu bàn ghế, thiếu học viên và thiếu cả giáo viên!
Nhìn về ngôi trường ngói đỏ, nhớ lại 20 năm hình thành với thăng trầm, thầy Phạm Văn Cường – Giám đốc Trung tâm không khỏi xúc động. Thầy kể: Trung tâm được thành lập vào ngày 4/4/1998 với tên gọi ban đầu là Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Dạy nghề Như Thanh. Cơ sở vật chất khi đó chỉ vẻn vẹn có 5 phòng học cấp 4 song tường vôi nứt nẻ, xuống cấp, mưa thì dột mà nắng thì chói, bàn ghế thì xập xệ, cao thấp, bung, mục.
Về giáo viên thì chỉ có 6 người, dạy 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần. Học viên theo học là cán bộ xã thuộc 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, là những học sinh có học lực yếu không có khả năng vào các trường khác. Định kiến xuất hiện kèm theo thái độ dè bỉu từ bạn bè, người thân học sinh.
Với hệ 2 năm 3 lớp, năm học đầu tiên Trung tâm tuyển sinh được 35 học viên. Sau này để đáp ứng được nhu cầu đào tạo, Trung tâm được tiếp nhận thêm đội ngũ thầy cô giáo trẻ từ trường Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Vinh, Đại học Hồng Đức,…
Thầy Phạm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm luôn trú trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề để học viên ra trường có việc làm |
“Dần dần những mặc cảm đó phai nhòa, thay vào đó là chất lượng giáo dục nên từ con số hàng chục trở thành con số hàng nghìn học viên. Còn với hệ 3 năm 3 lớp, từ một lớp đến khi đông nhất cũng đạt hơn 500 học viên/năm học”, thầy Cường tổng kết.
Đáp lại lòng tin yêu của thầy cô, nhiều em đã đậu tốt nghiệp, đậu đại học, ra trường sớm tìm được việc làm. Tính đến nay, Trung tâm có gần 50 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có nhiều giải cao như giải Nhì môn Văn, giải Nhì môn Địa lý, giải Nhì môn Toán học, giải Nhất máy tính Casio, và có hơn 20 giải 3, cùng hàng chục giải khuyến khích,...
Như Thanh là huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, huyện mới thành lập cách đây được 22 năm. Lúc ấy, tiềm lực phát triển kinh tế địa phương không có, lực lượng lao động nhiều song lại không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Bởi thế, Trung tâm được giao thêm nhiệm vụ mới là… dạy nghề!
Theo thầy Phạm Văn Cường, khởi điểm là những nghề đơn giản rồi đến những nghề kỹ thuật cao xã hội đang cần như: nghề chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng lúa cao sản, kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật điện - gò - hàn, lớp tập huấn chuyển giao công nghệ… Trung tâm đã mở được các lớp nghề ở hầu hết các xã trong toàn huyện, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Trung tâm còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn cán bộ cho huyện, cho tỉnh và là cái nôi để thế hệ giáo viên trưởng thành hơn: Thống kê cho thấy có tới 95% cán bộ cấp xã trên địa bàn huyện đều được đào tạo tại đây, với vốn kiến thức có được sau khi học, họ được Đảng, Nhà nước giao các trọng trách, với những quyết sách hợp lòng dân, đúng ý Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; Cùng với đó, nhiều giáo viên của Trung tâm cũng trưởng thành hơn, như thầy Lương Đức Hạnh lên làm lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh, thầy Nguyễn Văn Len lên làm Chủ tịch LĐLĐ huyện, thầy Lê Văn Cường lên làm Chánh Văn phòng Huyện uỷ, thầy Nguyễn Ngọc Thắng làm Hiệu trưởng trường THCS Phú Nhuận, thầy Trần Văn Hà làm Phó Giám đốc Trung tâm GDTX - DN Nông Cống, cô Phạm Thị Anh lên làm lãnh đạo Sở Nội vụ...
Định hướng cho tương lai
Nhiều em khi bước vào Trung tâm có hoàn cảnh khó khăn, tự ti, mặc cảm, luẩn quẩn với bao định kiến, học lực yếu, cá biệt, bước vào Trung tâm với tư tưởng “học cho xong”, “học cho bố mẹ hài lòng bố mẹ” chứ kỳ thực… thiếu thiết tha!
Thậm chí, để thúc đẩy các em đến trường, có lúc, tập thể giáo viên Trung tâm khăn gói đi khắp nẻo đường của huyện, trèo dốc, cuốc bộ vào nơi rừng xanh để tìm học sinh, để nói cho các em hiểu ý nghĩa của việc đến trường, giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, tự tin hơn về bản thân, về tương lai phía trước.
Giáo viên Vi Thị Hà, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trung tâm |
Càng khó khăn, các thầy cô trong Trung tâm lại càng không lơ là với nhiệm vụ của mình. Như thầy Phạm Văn Cường đã chia sẻ: Nhiệm vụ của mỗi thầy cô lúc này không đơn thuần là cung cấp tri thức, rèn luyện đạo đức cho các em mà điều đầu tiên cần phải làm là động viên các em, vực dậy tinh thần ở các em, thổi vào các em niềm say mê học tập, rèn luyện, hướng các em tới những ước mơ về một tương lai rạng ngời.
Vào trường rồi, trang bị tri thức rồi, ý chí vươn lên rồi song vẫn chưa đủ. Câu hỏi mà thầy cô luôn đau đáu là “ra khỏi Trung tâm rồi các em sẽ làm gì?” Chỉ có vài đáp án đưa ra là: “thi đại học”, “về quê làm tự do”. Mà “làm tự do” khi trong tay không có một kiến thức về nghề nghiệp thì bước ra xã hội sao đành?
Luôn trăn trở với lời giải cho câu hỏi này, thầy Nguyễn Trung Kiên – Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Xã hội tiến bộ, tư duy nghề nghiệp cũng không còn dập khuôn máy móc nữa. Học sinh đã ý thức sâu sắc được: “vào đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Nếu không học đại học thì học nghề gì để dẫn đến thành công? Để giải đáp điều này, Trung tâm đã chú trọng hơn trong công tác đào tạo nghề, đa dạng hoá các nghề.
“Quan điểm của Trung tâm là không dạy những điều quá xa vời, không lấy những câu chuyện quá xa thực tế làm minh họa. Chỉ lấy hình ảnh người cha, người mẹ hàng ngày vào rừng kiếm củi, cày thuê cuốc mướn với những giọt mồ hôi lăn dài nơi quê nhà các em; lấy hình ảnh các thầy cô vượt khó đồng hành cùng các em; lấy hình ảnh các cựu học viên, là những người bước ra từ Trung tâm và được xã hội trọng dụng với hành trang trên tay là tay nghề kỹ sư, bác sĩ, công an, nhà báo, cán bộ huyện…; lấy máy móc, thiết bị, chuyên môn nghề thực tế làm định hướng; phát huy sở trường hạn chế sở đoản từ các em… cho nên các em rất vững tâm khi bước ra xã hội”, thầy Kiên chia sẻ.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, các thầy cô còn tư vấn cho các học viên sau khi ra trường có ngay việc làm tại một số công ty, một số cơ sở sản xuất, các em còn có thể vừa học vừa làm dưới hình thức du học sinh, có thể tham gia xuất khẩu lao động đến một số nước, từ đó làm giàu cho gia đình và xã hội.
Nhìn lại chặng đường 20 năm, những thành quả mà Trung tâm đạt được thật không hề dễ dàng. Đó là kết quả của sự nổ lực phấn đấu, là tình yêu thương chân thành của giáo viên giành cho học viên, là sự chăm chỉ, ý chí quyết tâm của mỗi học viên, là sự kết hợp, chung sức chung lòng của mỗi phụ huynh, và là sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành từ tỉnh cho tới tại địa phương...
Tác giả: TRUNG HIẾU
Nguồn tin: Báo Dân sinh