Thế giới

Trung Quốc tái hiện kịch bản "mai phục lính Liên Xô" với Ấn Độ?

Trong khi chính phủ Trung Quốc tiếp tục đe dọa Ấn Độ, truyền thông và giới nghiên cứu nước này tin rằng Bắc Kinh "sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô nhỏ".

Một cuộc tập trận bắn đạn thật của PLA tại tỉnh Giang Tô năm 2015 (Ảnh: 81.cn)

Trung-Ấn có thể tái hiện xung đột Xô-Trung

Thượng tá Nhạc Cương, cựu quan chức thuộc Bộ tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân (PLA), đánh giá trên trang Sina rằng cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ - nếu xảy ra - sẽ là màn tái hiện cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Liên Xô tại đảo Damansky (Bắc Kinh gọi là đảo Trân Bảo) năm 1969.

Xung đột vũ lực có thể bắt đầu từ những màn giằng co xô xát được leo thang, dẫn đến một trong hai phía - hoặc cả hai bên - nổ súng khơi mào. Khi súng đã nổ, các bên sẽ huy động pháo, xe bọc thép... để tấn công trả đũa nhau.

Theo ông Nhạc, vào đầu tháng 3/1969 Liên Xô phát hiện một số người Trung Quốc lên đảo Damansky/Trân Bảo và cử lực lượng biên phòng tới trục xuất, nhưng bị phía Trung Quốc mai phục. Hai bên được cho là đã thương vong hàng trăm người trong xung đột.

Đến giữa tháng 3, lực lượng biên phòng hai nước tiếp tục xung đột. Quân đội Liên Xô đã điều tới xe tăng, xe bọc thép, máy bay và rocket, trong khi Trung Quốc cũng đáp trả bằng nhiều loại pháo. Cả hai phía đều cáo buộc đối phương nổ súng trước.

Trong một cuộc phỏng vấn do nhà sử học Yang Kuisong thực hiện, tướng Trần Tích Liên, Tư lệnh quân khu Thẩm Dương trong giai đoạn xung đột, thừa nhận tham gia tấn công đảo Trân Bảo là đội quân tinh nhuệ.

"Để tham gia trận tấn công hôm 2/3/1969, chúng tôi đã chuẩn bị trước đó 2-3 tháng. Chúng tôi đã chọn ra 3 đại đội quân báo, một đại đội biên chế 200-300 quân. Chỉ huy các đại đội là các sĩ quan có kinh nghiệm," ông Trần nói.

"Sau khi được huấn luyện kỹ càng, trang bị vũ khí đầy đủ, họ được đưa bí mật lên đảo. Khi lính Liên Xô 'khiêu khích' hôm 2/3, chúng tôi đã có ưu thế hơn hẳn. Chúng ta [Trung Quốc] đã giành chiến thắng trong trận đó".

Theo nhiều nhà nghiên cứu của Nga và phương Tây ngày nay, đây không phải là cuộc chiến đấu để "tự vệ" như báo chí Trung Quốc vẫn tuyên truyền, mà là một cuộc tấn công quy mô nhỏ, được chính quyền nước này chuẩn bị kỹ lưỡng, và Liên Xô không nổ súng trước.

Bức ảnh do chiến sĩ Liên Xô Nikolai Petrov chụp lúc 11h10 ngày 2/3/1969 được báo giới nước này đăng tải, chú thích rằng nhóm 3 chiến sĩ biên phòng Liên Xô đến gặp quân lính Trung Quốc khi đối thủ lấn sâu vào biên giới trên đảo Damansky/Trân Bảo. Dẫn đầu là thượng úy chỉ huy trạm biên phòng Ivan Strelnikov.

Trung Quốc có bất đồng nội bộ?

Nêu quan điểm tương đồng với ông Nhạc Cương, nhà nghiên cứu Hồ Chí Dũng của Viện quan hệ quốc tế, thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải, nói rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép cuộc đối đầu ở cao nguyên Doklam/Donglang hiện nay giữa quân đội Trung-Ấn kéo dài.

"Có thể sẽ có một chiến dịch quân sự nhỏ để trục xuất lính Ấn Độ trong khoảng 2 tuần tới," học giả này nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 5/8, hé lộ khả năng xung đột vũ trang ở biên giới, trong bối cảnh Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng gửi những đe dọa tương tự đến New Delhi.

Tuy nhiên, quan chức cấp cao của PLA hôm 7/8 đã từ chối tỏ thái độ ủng hộ thông tin trên, nhưng cho biết Ấn Độ "nên rút quân vô điều kiện để chấm dứt cuộc đối đầu đã kéo dài 50 ngày".

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói với một số phóng viên Ấn Độ được mời trực tiếp đến Lầu Bát Nhất để đối thoại hai chiều với PLA, rằng những báo cáo mang hơi hướng "diều hâu" trên một số tờ báo nhà nước như Hoàn Cầu cũng không đại diện cho lập trường của Bộ.

"Những báo cáo dạng này chỉ thể hiện góc nhìn của truyền thông và các nhà nghiên cứu," ông Nhậm nói với các đại diện truyền thông Ấn Độ từ Economic Times hay Times of India.

Tác giả Charlotte Gao bình luận trên tạp chí The Diplomat ngày 9/8 rằng việc Lầu Bát Nhất đối thoại trực tiếp với báo giới Ấn Độ cho thấy thiện chí của PLA nhằm làm rõ những thông tin "gây hấn" và gửi thông điệp thiện chí tới riêng New Delhi, bởi phát biểu trên của ông Nhậm Quốc Cường không được công khai tại Trung Quốc.

Cũng theo bà Gao, các bình luận của ông Nhậm còn dấy lên nghi vấn về sự bất đồng quan điểm giữa các cơ quan ra quyết sách cấp cao của Trung Quốc là Bộ quốc phòng và Bộ ngoại giao liên quan đến tình hình Doklam.

Tác giả: Hải Võ

Nguồn tin: Báo Thời đại

  Từ khóa: Đe dọa , trung quốc , Ấn Độ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok