Theo Reuters, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ hậu cần ở khu vực chiến lược Djibouti từ năm ngoái với mục đích hỗ trợ các tàu hải quân tham gia nhiệm vụ nhân đạo và gìn giữ hòa bình ngoài vùng bờ biển Yemen và Somalia.
Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, mặc dù Bắc Kinh chỉ “miêu tả” căn cứ này như một cơ sở hậu cần theo các văn kiện chính thức được công bố.
Tân Hoa Xã cho biết trong một thông báo ngắn tối muộn hôm qua (11/7) rằng các tàu hải quân đã rời cảng Trạm Giang ở phía nam “để triển khai căn cứ hỗ trợ tại Djibouti”. Theo đó, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Shen Jinlong đã “đọc mệnh lệnh về việc xây dựng căn cứ ở Djibouti”, song báo cáo không cho biết khi nào căn cứ này chính thức đi vào hoạt động.
Hải quân Trung Quốc từng tới thăm cảng Djibouti năm 2015. Nguồn: BBC |
Tân Hoa Xã cho hay việc thiết lập căn cứ quân sự này là quyết định đưa ra từ cả hai phía sau “các cuộc đàm phán thân thiện và phù hợp với lợi ích chung của người dân hai nước”.
Trong khi đó, tờ ngôn luận của quân đội Trung Quốc cho rằng đây là một hoạt động bước ngoặt, có thể tăng cường khả năng đảm bảo hòa bình toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là bởi vì lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc có mặt nhiều tại châu Phi và cũng tham gia vào các cuộc tuần tra chống cướp biển ở khu vực này.
Tờ báo này cũng cho biết Trung Quốc không cố gắng mở rộng lực lượng quân sự hay tham gia vào các cuộc chạy đua vũ trang. “Các cam kết này sẽ không thay đổi dù Bắc Kinh có xây dựng các căn cứ hậu cần ở nước ngoài”, tờ báo viết.
Djibouti có diện tích tương đương xứ Wales, nằm ở lối vào phía nam của Biển Đỏ trên tuyến đường qua kênh đào Suez. Djibouti từ lâu được coi là “sân chơi của các cường quốc” khi Mỹ, Pháp, Nhật Bản đều có căn cứ quân sự tại đây. Nguyên nhân là bởi vì Djibouti nằm gần các nước Somali, Yemen, Ethiopia, Nam Sudan, vốn những điểm nóng xung đột của thế giới.
Trung Quốc và Djibouti ký kết Thỏa thuận An ninh Quốc phòng vào năm 2014. Căn cứ của Bắc Kinh đang trong quá trình xây dựng, với mức giá thuê khoảng 20 triệu USD hàng năm.
Tác giả: Tuệ Minh
Nguồn tin: Báo Infonet