Mô hình tên lửa CM-401 và bệ phóng được giới thiệu hồi tháng 11. Ảnh: Sina. |
Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) đang tìm cách chào hàng tên lửa đạn đạo diệt hạm CM-401 tới các khách hàng quốc tế. "Đây là sản phẩm phù hợp với những nước muốn tìm kiếm giải pháp đáng tin cậy, có mức giá hợp lý để răn đe và đối phó với các mối đe dọa từ tàu mặt nước đối phương", China Daily dẫn lời đại diện CASIC hôm qua phát biểu.
CM-401 ra mắt tại Triển lãm hàng không Chu Hải hồi tháng 11. Đây là mẫu vũ khí có thể được trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ và tàu khu trục hạng nặng Type-055. CM-401 được ví như "sát thủ tàu sân bay Mỹ", vì nó có thể tấn công mục tiêu cỡ lớn, di chuyển với tốc độ tương đối chậm như tàu sân bay, tàu hậu cần và chiến hạm mặt nước hạng nặng của hải quân Mỹ.
Đồ họa đi kèm với mô hình CM-401 cho thấy nó có quỹ đạo bay kiểu "lượn sóng", trong đó đầu đạn liên tục thay đổi độ cao trong hành trình bay. Khi tới gần mục tiêu, CM-401 đột ngột vọt lên rồi lao thẳng xuống với vận tốc rất lớn. Kiểu cơ động này dường như sẽ giúp tăng tầm bắn, đồng thời tạo ra quỹ đạo bay bất thường cho tên lửa, khiến đối phương gần như không thể đánh chặn được.
Giới chuyên gia đánh giá CM-401 có thể đạt tầm bắn tới 1.000 km. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng chỉ xuất khẩu phiên bản có tầm bắn tối đa 300 km nhằm đáp ứng Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR). Thỏa thuận này được 35 quốc gia ký kết nhằm cấm xuất khẩu các tên lửa đầu đạn trên 500 kg và tầm bắn hơn 300 km. Dù không phải nước tham gia ký MTCR, Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ điều khoản thỏa thuận này.
Mô phỏng quỹ đạo bay kiểu "lượn sóng" của CM-401. Đồ họa: Sina. |
Tốc độ trong pha cuối của CM-401 có thể đạt 4.940-7.410 km/h. CASIC cho biết quả đạn có thể xuyên thủng mọi lá chắn trên tàu chiến hiện nay nhờ sự kết hợp giữa tốc độ cao và khả năng cơ động phức tạp. Mỗi bệ phóng CM-401 có thể khai hỏa hai quả đạn theo quỹ đạo khác nhau để tấn công tối đa hai mục tiêu cùng lúc, khiến đối phương càng khó chống đỡ.
"Trước khi CM-401 xuất hiện, mọi loại tên lửa diệt hạm trên thị trường quốc tế đều là tên lửa hành trình có quỹ đạo bay bám biển, như mẫu C-802 Trung Quốc hoặc Harpoon Mỹ", đại diện CASIC nói thêm.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới biên chế tên lửa đạn đạo diệt hạm với mẫu DF-21D và DF-26. Đây được gọi là "át chủ bài" trong chiến lược hải quân của Bắc Kinh để đối phó với sức mạnh quân sự của Washington.
Tác giả: Lã Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress