Như chúng ta đã biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương "thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK), có một số SGK cho mỗi môn học” (Thường được nói gọn là “một chương trình, nhiều SGK").
Tuy nhiên, trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Việc này cần có lộ trình; trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn.
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Xung quanh vấn đề này, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).
GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông |
PV: Thưa GS, xu hướng của các nước trên thế giới là "một chương trình, nhiều SGK” hay “một chương trình, một bộ SGK”?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Ở các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển, người ta không chỉ có một chương trình mà có 3 cấp chương trình: chương trình quốc gia, chương trình địa phương (bang, tỉnh) và chương trình nhà trường.
Ở nước ta, theo quy định của Luật Giáo dục, chỉ có một chương trình là chương trình quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ định hướng “xây dựng một nền giáo dục mở” của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “Thực hiện một chương trình GDPT thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt.
Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình GDPT, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.” Mục tiêu xây dựng “chương trình GDPT thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt” là bảo đảm cho chương trình phù hợp với đối tượng giáo dục, thực tiễn, nhu cầu và điều kiện thực hiện của các địa phương, các cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình và xã hội.
Cũng vì lý do trên, đồng thời để huy động được các nguồn lực xã hội đóng góp cho giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng SGK, Nghị quyết 88 chủ trương “có một số SGK cho mỗi môn học”.
Ở các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển, SGK chỉ đóng vai trò tài liệu tham khảo để giáo viên nghiên cứu sử dụng hoặc tổng hợp thành tài liệu dạy học của mình. Tuy nhiên, gần đây có một số nước chậm phát triển ở châu Phi gặp những khó khăn nhất định nên đang quay lại với chính sách “một chương trình, một bộ SGK”.
Riêng nước ta, ở miền Bắc trước năm 1957 và ở miền Nam trước năm 1975, mỗi môn học cũng có một số SGK, chứ không phải chỉ có một bộ SGK.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như dân trí nước ta bây giờ cao hơn những năm 1950 hoặc 1970 rất nhiều. Từ năm 2006, nước ta đã trở thành một nước đang phát triển. Không lẽ chúng ta không làm được như hàng chục năm về trước, khi đang còn là một nước chậm phát triển?
PV: Thưa GS, việc hoãn thời gian thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” ảnh hưởng thế nào đến các tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào làm sách từ hơn 1 năm qua?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo logic hình thức thì chỉ sau khi Chương trình GDPT được chính thức ban hành (26/12/2018) mới có thể bắt tay vào viết SGK. Tuy nhiên, viết SGK là công việc không hề đơn giản nên trên thực tế nhiều NXB cũng đã tập hợp tác giả bắt đầu chuẩn bị từ cách đây 1 năm, sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo các chương trình môn học.
Khi đưa ra một chủ trương mới, chúng ta cần hết sức cân nhắc bởi nó có thể gây hụt hẫng cho các tổ chức, cá nhân đang hăm hở đóng góp cho việc biên soạn SGK cũng như kỳ vọng vào đổi mới. Đặc biệt, nếu chủ trương không nhất quán như vậy thì lần sau có muốn động viên các tổ chức, cá nhân đóng góp cho giáo dục sẽ rất khó.
PV: Thời điểm hiện tại chúng ta lại chủ trương biên soạn một bộ SGK của Bộ GD&ĐT, điều này liệu có gây khó khăn cho Bộ GD&ĐT không thưa ông?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Không phải đến tận bây giờ, mà từ tháng 11 năm 2014, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Bộ GD&ĐT đứng ra chỉ đạo biên soạn một bộ SGK để bảo đảm chủ động trong việc triển khai chương trình mới. Vì vậy, dù có quy định “trước mắt chỉ có một bộ SGK” thì nhiệm vụ của Bộ vẫn không có gì thay đổi.
Vấn đề Bộ cần làm lúc này là tuyển chọn được những chuyên gia vừa có nền tri thức khoa học cơ bản vững vừa giàu kinh nghiệm về giáo dục phổ thông để bắt tay vào làm SGK.
Đội ngũ này không thiếu nhưng vừa qua cũng có một số trường hợp phân tán vào những nhóm tác giả khác nhau; nay cần được tập hợp lại để làm một bộ sách chung. Nhờ các nhóm tác giả, các đơn vị làm sách trong thời gian qua đã có sự chuẩn bị trước nên công việc sẽ nhanh hơn là bắt đầu từ số không.
Dĩ nhiên, các tác giả có thể mang đến những phương án khác nhau về sách. Nhưng việc trao đổi để đi đến phương án thống nhất là không khó, nhất là khi dựa trên cơ sở quan điểm, nội dung của Chương trình GDPT.
PV: Nói đến việc viết SGK cho chương trình mới, nhiều người cho rằng cần chủ trương loại bỏ quyền lợi của các nhà xuất bản. GS quan niệm thế nào về điều này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Trừ các hoạt động từ thiện, không ai làm không công. Các nhà xuất bản ở nước ta đều là doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh có lãi thì mới đóng được thuế cho Nhà nước, trả được tiền công cho người lao động và mới tích lũy được để phát triển, để làm từ thiện. Người viết sách là người lao động. Viết cho Bộ GD&ĐT hay cho bất kì nhà xuất bản nào, họ cũng phải được trả công. Đó là những điều căn bản về kinh tế và lao động, chắc ai cũng biết, nhưng khi vận dụng vào một số trường hợp lại quên.
Ngay nói về kinh phí làm bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo biên soạn cũng vậy. Tiền có thể là của Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam vay. Nhưng vay thì phải trả. Các nhà xuất bản SGK sẽ phải có trách nhiệm lấy lợi nhuận từ sách để trả món nợ này.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Infonet