Kinh tế

Trụ cột kinh tế sa sút, Bộ trưởng lắng nghe chuẩn bị hành động

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lần hai để giúp doanh nghiệp trụ vững, hồi sức trước ảnh hưởng của Covid-19.

Thêm gói hỗ trợ

Ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có cuộc gặp mặt doanh nghiệp để đánh giá tình hình, đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thời điểm này năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức cuộc gặp tương tự để trực tiếp lắng nghe những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Qua đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy một số chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả, nhưng về tổng thể gói hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp trụ vững, duy trì sản xuất; không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người nghèo, hộ chính sách,...

Hàng chục doanh nghiệp đã lên tiếng kiến nghị về các vấn đề để hồi phục sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn diễn biến khó lường. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều thách thức, khó khăn. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đề xuất Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai.

Trong buổi sáng ngày 1/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cuộc làm việc với các doanh nghiệp hàng không. Còn cuộc làm việc buổi chiều ngày 1/3 tập trung nhiều hơn vào khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất. Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với hơn 134,9 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là hơn 1 triệu lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí (VAMI) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là đơn hàng. Đây là vấn đề lớn nhất, khó tháo gỡ nhất. Chẳng hạn, doanh số của các doanh nghiệp ô tô năm nay so với năm ngoái giảm rất nhiều. Các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, sau một năm Covid-19, đơn hàng bắt đầu ít đi, trong khi cước vận chuyển tăng.

Đại diện VAMI đề nghị Chính phủ hỗ trợ chủ doanh nghiệp chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài bởi phần này tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, VAMI đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào các dự án đấu thầu trong nước.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, đề xuất tiếp tục hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước đến hết 2021.

“Trong 6 tháng 2020, khi Covid-19 xảy ra, thị trường ô tô sụt giảm 35% so với năm 2019. Tất cả doanh nghiệp rất khó khăn. Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ giảm giá bán nên sản lượng 6 tháng cuối năm tăng trưởng. Cuối năm 2020, tổng sản lượng thị trường chỉ giảm 10%”, ông Lê Ngọc Đức cho biết và lưu ý đến đầu năm 2021, khi chính sách giảm lệ phí trước bạ kết thúc, tình hình thị trường ô tô quay lại sụt giảm rất nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ

Gói hỗ trợ cần sát thực tế hơn

Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Thị trường thép nhìn chung là ảm đạm với hoạt động sản xuất cầm chừng, bán hàng giao dịch rất ít do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu trong nước chậm. Vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,... ) khó khăn khi tâm dịch nằm ở Hải Dương, Quảng Ninh.

Hiệp hội Thép kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng như giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán; đồng thời giảm lãi suất giúp doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn này.

“Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách của các doanh nghiệp thép để tránh gây áp lực thêm cho doanh nghiệp; có các chính sách ưu đãi về thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... ”, Hiệp hội Thép Việt Nam đề xuất.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 đạt trên 35 tỷ USD, giảm 9,8% so với 2019. Hai tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý là, theo ông Trương Văn Cẩm, đơn hàng của các doanh nghiệp không thiếu song giá lại giảm. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nằm trong vùng dịch, gặp khó khăn do việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh không có sự thống nhất.

Nhắc đến việc Hải Phòng từng đưa ra nhiều quy định kiểm soát dịch khắt khe, đại diện VITAS cho hay: Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng hàng ùn ứ, nguyên vật liệu từ cảng Hải Phòng không lấy về sản xuất được, trong khi sản phẩm sản xuất ra cũng không xuất đi được. Cho nên, ông Cẩm kiến nghị cần kiên quyết dập dịch nhưng cũng phải có giải pháp để duy trì sản xuất để phục vụ “mục tiêu kép”.

Đại diện các DN dệt may kiến nghị việc thiết kế gói hỗ trợ lần này cho doanh nghiệp lần này tiêu chí và điều kiện đưa ra phải sát thực tế hơn, doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận hơn gói hỗ trợ của năm 2020.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok