Người cho rằng vấn đề cán bộ là một trong những nhân tố quyết định đối với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946 (Ảnh tư liệu) |
Trong mỗi thời kỳ cách mạng, trước mỗi bước ngoặt của đất nước, cùng với Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách sáng tạo lý luận Mác - Lênin với kinh nghiệm thế giới và thực tiễn cách mạng Việt Nam để đào tạo, rèn luyện, lựa chọn, bố trí cán bộ một cách đúng đắn. Bác cho rằng muốn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, người cán bộ phải có đủ cả đức và tài, phẩm chất và năng lực không thể thiếu một mặt nào. Người nói: "Có tài phải có đức. Có tài không có đức, có hại cho nước… Người cán bộ tốt nhất thiết phải là người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phẩm chất và năng lực cán bộ phải được thể hiện trên kết quả công tác thực tiễn, qua việc thực hiện những nhiệm vụ được giao".
Hồ Chủ tịch đặc biệt coi trọng việc giữ gìn và nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ và nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Người rất quan tâm đến việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa kế thừa và phát triển trong công tác cán bộ. Bác chỉ rõ: “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ, còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”.
Đồng thời, Bác rất quan tâm đến trí thức, Bác nói: “Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”.
Ngay khi cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bác Hồ rất quan tâm đến trọng dụng nhân tài và nghệ thuật dùng người. Theo Bác, nghệ thuật dùng người là ở chỗ “xem người ấy xứng với việc gì, nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc”. Nghệ thuật dùng người còn phải biết cân nhắc cán bộ đúng lúc, đúng chỗ”, “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”, vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”.
Chính nhờ những quan điểm, tư tưởng đúng đắn, sáng suốt đó nên khi đất nước mới giành được độc lập còn vô vàn khó khăn, cả thù trong giặc ngoài, Bác Hồ và Đảng ta đã rất thành công trong đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân qua công tác cán bộ. Bác Hồ đã mời một số nhân sĩ, trí thức, quan lại của chế độ phong kiến nhưng có kiến thức, kinh nghiệm ra giúp nước. Trong số đó có cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên là Thượng thư bộ hình ra làm Trưởng ban thường trực Quốc hội, cụ Huỳnh Thúc Kháng nguyên là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau là Phó Chủ tịch nước, cụ Phan Kế Toại nguyên là Khâm sai Đại thần ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ,…
Năm 1946, trước khi sang Pháp, Bác Hồ đã tin tưởng trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đó là lúc tình hình đất nước hết sức khó khăn, phức tạp mà Bác vẫn giao quyền cho một nhân sỹ, trí thức không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bằng cách ứng xử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Nhiều trí thức ở nước ngoài có học vị, thu nhập cao nhưng đã tự nguyện về giúp nước như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, một chuyên giao cao cấp về vũ khí ở Đức, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, người Việt Nam đầu tiên được phong giáo sư ở trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ), nhà nông học Lương Định Của, tiến sỹ y khoa Đặng Văn Ngữ ở Nhật Bản, giáo sư Phạm Huy Thông, bác sỹ Trần Hữu Tước , bác sỹ Nguyễn Khắc Viện...
Đồng thời, nhiều trí thức tiêu biểu như giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Hồ Đắc Di, luật sư Phan Anh, giáo sư Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, bác sỹ Vũ Đình Tụng… đều được trọng dụng để phát huy tài năng phục vụ đất nước. Đặc biệt, Bác Hồ đã phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách quân đội, là người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào, một thầy giáo dạy Sử ở trường tư thục Thăng Long và sau đó phong thẳng lên Đại tướng. Đại tướng đã trở thành một thiên tài quân sự - đó là việc phát hiện và trọng dụng nhân tài của Bác. Nhiều đồng chí được Bác Hồ chọn, giao việc như đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh… đều trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước.
Trọng dụng nhân tài và nghệ thuật dùng người cho dân, cho nước của Bác Hồ mãi mãi là bài học vô cùng quý giá và sâu sắc để chúng ta tiếp tục học tập, phát huy.
Tác giả: NGUYỄN THẾ TRUNG
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam