Cuộc sống

"Trốn Tết, đi du lịch để tránh áp lực và lễ nghi rườm rà'

Trong khi ngày càng có nhiều người chọn du lịch Tết để giải tỏa, tránh những lễ nghi rườm rà, phần lớn những người khác vẫn mong ngóng Tết để trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Vốn là người yêu thích du lịch, ngay năm 2 đại học, Thanh Tùng (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đã mạnh dạn quyết định một lần không cùng đón Tết với gia đình mà lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi ở Sa Pa.

“Đó là lần đầu tiên trong đời mình có cảm giác được 'bung lụa'. Vốn là người ưa bay nhảy, mình không kìm được phấn khích khi nghĩ đến việc được ăn Tết ở nơi xa. Vì tin tưởng con gái, cha mẹ mình nghe vậy dù có chút e ngại nhưng cũng không cấm cản gì”, cô nhớ lại.

Nghĩ là làm, từ đầu tháng 12 âm lịch, Tùng đã ngỏ ý hỏi những người bạn thân để cùng đi. Tuy nhiên cô không tìm được “người cùng chí hướng”, bạn bè lắc đầu nguầy nguậy từ chối vì đều muốn về nhà ăn Tết.

Không có bạn đồng hành, Tùng vẫn hào hứng với dự định của mình. Ngày 20 Tết, khi bạn bè bắt đầu được nghỉ học, sắp sửa về quê sớm để đỡ tiền vé tàu xe, Tùng nhận làm công việc thời vụ để có thêm chi phí cho chuyến đi

Tối 30 Tết, cả thành phố chuẩn bị đón giao thừa, Tùng ra ga tàu, một mình lên Sa Pa. Sau một đêm ngủ trên tàu, Tùng đến TP Lào Cai vào sáng mùng Một Tết.

“Lúc xuống sân ga, thời tiết ở vùng cao lạnh hơn mình tưởng, mình bỗng dưng thấy lạc lõng. Rút điện thoại ra gọi về nhà, vừa nghe giọng anh trai bắt máy, hỏi đến nơi an toàn chưa mình đã suýt khóc”, Tùng kể.

Tết Nguyên đán là thời điểm yêu thích của dân thích xê dịch khám phá.

Đây không phải lần đầu tiên đi du lịch xa một mình, nhưng cô thấy có chút chạnh lòng khi không được bên cạnh gia đình ngày đầu năm.

Sau đó Tùng vẫn đi chơi nhưng những trải nghiệm không vui vẻ như tưởng tượng ban đầu. Suốt cả ngày cô không gọi về nhà nữa vì "sợ nghe giọng mọi người cười nói lại thấy đáng ra lúc này mình đang ở nhà chúc mừng năm mới”.

“Năm trước bạn thân của mình lại rủ đi du lịch qua Tết vì sợ về nhà bị ‘dằn vặt’ chuyện yêu đương, lương thưởng. Mình cũng xuôi xuôi, nhưng đến phút chót, bạn bè ở quê í ới họp lớp, cha mẹ gọi điện hỏi hôm nào nghỉ làm, mình lại nao nao trong lòng, quyết định xách va li bắt xe về nhà”, Tùng nói.

Không riêng Tùng, nhiều người trẻ ngày càng có xu hướng muốn đi du lịch Tết. Một phần để “đổi gió”, trải nghiệm một dịp lễ không giống mọi năm, phần khác để tránh “những câu hỏi khó đỡ”, lễ nghi và cả sự tất bật vào dịp này.

Tuy nhiên phần đông những người khác cho rằng Tết là dịp đoàn tụ gia đình, đặc biệt với những người đi học, đi làm xa, được trở về bên người thân là điều hạnh phúc họ mong chờ suốt một năm dài.

Với nhiều người đi học, đi làm xa, Tết là thời điểm rảnh rỗi duy nhất có thể du lịch dài ngày.

Tết không phải dịp để ‘đưa nhau đi trốn’

Là người có tính cách khá hướng ngoại, Đại (24 tuổi, Nghệ An) ít khi từ chối khi được bạn bè rủ đi du lịch cùng.

“Từ hồi đại học, mình đã hay được bạn rủ đi du lịch chung. Từ ngày đi làm, mình ít đi hơn nhưng vẫn thường cố gắng để vài tháng đi đến chỗ nào đó khoảng một vài ngày”, 9X kể.

Anh nói có thể vì đi nhiều thành quen nên thích đi đây đó, ở lâu một chỗ anh có cảm giác “cuồng chân”.

“Nhưng Tết thì khác. Mình có thể đi chơi quanh năm, có thể dành hết ngày nghỉ phép trong năm đi du lịch nhưng Tết mình luôn muốn dành trọn cho gia đình. Tết là dịp duy nhất anh em, gia đình tề tựu đông đủ, bạn bè ở đâu cũng về chơi, không phải lúc nào cũng được như thế. Tất nhiên cũng có những áp lực, phiền hà nhưng mình thấy Tết không phải dịp để ‘đưa nhau đi trốn’”, anh bày tỏ.

Năm nay, có một số hội bạn rủ đi du lịch Tết với lý do dịp này vé máy bay rẻ, nếu đi vào ngày mùng 2, mùng 3 các điểm du lịch đều vắng khách, đi chơi sẽ thích hơn nhưng Đại đều từ chối.

Làm việc ở Sài Gòn suốt một năm, từ Tết âm lịch năm ngoái đến nay, Đại chưa được về thăm nhà lần nào.

“Hồi trước mình học ở Hà Nội nên vài ba tháng lại về nhà một lần. Đây là lần đầu tiên mình xa nhà lâu đến vậy. Càng sát Tết mình lại mong ngóng, đếm từng ngày để về nhà. Du lịch thì lúc nào cũng được nhưng Tết chỉ muốn về nhà đoàn viên'”, anh nói.

Được quây quần bên gia đình ngày Tết là niềm vui không gì thay thế được.

Năm nào cũng du lịch Tết thành ra nhàm chán

Trải qua 25 cái Tết “năm nào cũng giống năm nào”, Vương (hiện sinh sống tại TP.HCM) vẫn hào hứng khi nhắc về những ngày đầu năm mới.

“Mình thấy Tết mỗi năm cũng có một chút khác. Ngày còn bé, chỉ việc xúng xính áo quần, mua một con lợn đất to để đựng tiền mừng tuổi. Tết bây giờ mình lại chuẩn bị một xấp tiền lì xì cho cha mẹ, cho cả mấy đứa cháu. Thú thật, nghĩ đến Tết cũng có phần căng thẳng nhưng cũng có nhiều thứ vui”, anh tâm sự.

Năm ngoái không phải trực Tết ở đơn vị, Vương và hội bạn thân lên kế hoạch rời xa Sài Gòn ít ngày.

Trước ngày đi, anh giúp cha mẹ mua sắm, chuẩn bị khá tươm tất mọi thứ từ dọn nhà, đi mua cành mai, gói bánh tét rồi mới yên tâm lên đường.

“Đó là dự định mình ấp ủ từ mấy năm nay nhưng lần ấy mới thực hiện được. Cả hội đi Đà Lạt, thuê homestay ở suốt 3 ngày Tết. Cảm giác sáng mùng Một không đi chúc tụng, trưa không phải ăn thịt kho hột vịt với bánh tét, dưa hành khá thú vị. Tết trốn đi du lịch để tránh lễ nghi rườm rà cũng có cái thú vị", anh kể.

Vương cảm thấy việc anh không ở nhà không khiến không khí Tết thay đổi quá nhiều, bản thân cũng thoải mái, vui vẻ.

Tuy nhiên, năm nay anh không có ý định "trốn Tết" mà vẫn muốn quây quần bên gia đình. Với anh, việc về quê ngoại thăm bà, hỏi han cô, dì, chú, bác ngày đầu năm vẫn là niềm vui nho nhỏ không gì thay thế được.

"Mình nghĩ đi chơi xa dịp Tết cũng vui nhưng không phải việc năm nào cũng nên làm. Vì một năm có nhiều dịp lễ nhưng không khí đặc biệt như Tết thì chỉ có một lần. Nếu năm nào cũng trốn Tết đi chơi thì thành ra việc đi chơi đó lại thành nhàm chán", Vương bày tỏ.

Tác giả: Đình Phạm

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok