Cuộc sống

Trốn chồng vũ phu thành gái bán hoa

“Gần 15 năm tôi làm gái bán hoa. Thời gian đầu, nhan sắc mặn mà nên tôi có nhiều mối khách sộp. Nhưng cái nghề “lấy thân nuôi miệng” chóng tàn, chẳng bao lâu tôi thành gái đứng đường. Tuy nhiên, nếu có quyết tâm hoàn lương thì mọi cánh cửa cuộc đời sẽ không đóng lại” chị Trần Thị Xuân (SN 1976, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tâm sự về cuộc đời của mình…


15 FTNJ jpg ashx
Ảnh minh họa.

Đời trắc trở

Chị Xuân bây giờ đã trở thành một điển hình tiên tiến hoàn lương tại địa phương, nhiều người yêu thương hay nhắc đến theo hướng tích cực. Theo lời giới thiệu của bà Lê Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), từ nghị lực bản thân cộng với động viên, tạo điều kiện của cán bộ phụ nữ xã, chị Xuân đã mạnh dạn hòa nhập cuộc sống, đang từng ngày vươn lên làm kinh tế, đoạn tuyệt quá khứ lầm lỗi.

Vì muốn mình làm tấm gương soi cho nhiều cô gái khác, chị Xuân vui vẻ hẹn gặp phóng viên để đưa thông tin lên mặt báo. Trong chiều mưa tầm tã, dường như nỗi ám ảnh vẫn hằn trên gương mặt của chị.

Theo chị Xuân, kỷ niệm đẹp nhất, nhớ nhất vẫn là những năm tháng bên gia đình xưa. Song, cũng chính quãng thời gian này đã làm nên bi kịch cuộc đời chị. Chị Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo thuần nông, đông anh chị em ở huyện Hòa Vang. Chưa hết tiểu học, Xuân bỏ dở trường lớp để ở nhà phụ giúp cha mẹ.

Năm 16 tuổi, giấc mơ đi làm ở thành phố để thoát nghèo lớn dần, Xuân nhờ người dẫn xuống trung tâm thành phố giúp việc nhà. Ở cái tuổi mơn mởn, Xuân được chàng trai cạnh nhà, chủ động tán tỉnh. Chỉ vài lần hẹn hò lén lút, Xuân mang bầu.

Sự việc vỡ lỡ, nhưng gia đình chàng trai cay nghiệt không đón nhận. Để hợp thức hóa cái thai, chị Xuân cắn răng dọn về làm “vợ hờ” cho người ta mà không được hỏi cưới.

Do chị Xuân chưa đủ tuổi thành niên, để không vướng tù tội, anh “chồng hờ” đành chấp nhận. Những tháng ngày bụng mang dạ chửa trở thành địa ngục đúng nghĩa đối với chị Xuân. Chị Xuân nhớ lại:

“Để “trả thù” tôi mang bầu rồi bu bám, anh chồng suốt ngày cờ bạc, rượu chè, không chịu làm, không đưa tiền nuôi con. Đã thế, cả nhà ai cũng có thể đánh đập, chửi mắng tôi. Chồng công khai lăng nhăng cũng được cha mẹ ủng hộ, thậm chí đưa tình nhân về nhà hành hạ tôi.Cam chịu 3 năm, tôi bồng bế con về nhà ngoại”.

Thế nhưng, như lời chị Xuân, về quê với ruộng đồng nhưng chị cũng chẳng yên ổn với chồng. Suốt ngày, anh tìm đến gây sự với gia đình, cha mẹ chị để giành con. Sợ liên lụy người thân, chị lại ôm con tiếp tục lên phố xin việc. Vẫn không bỏ qua, chị đi đến đâu, “chồng hờ” lại phá, gây rối đến đấy, khiến không ai dám nhận việc chị, cả người cho thuê trọ cũng khước từ mẹ con chị tá túc.

Đói khổ, bất lực, một buổi chiều mưa như trút nước, chị Xuân ôm con ra đường xin ăn. Tại đây, Xuân gặp một người gạ gẫm cách kiếm tiền nuôi con bằng nghề làm gái. Trong một phút đắn đo, ngoảnh đầu nhìn lại hiện tại phũ phàng, Xuân cúi đầu đồng ý đi theo người này.

Chị Xuân kể, mới vào nghề, ngày đầu còn e dè, khúm núm, vài tháng sau, chị đã thành một gái “bán hoa” thứ thiệt, cũng lọc lừa, cũng lắm “mánh” để chống chọi với những khắc nghiệt trong giới. Càng cần tiền nuôi con, nuôi miệng và câu khách, chị càng ăn diện, càng thuộc hết mọi ánh đèn vũ trường cho đến điện mờ ngoài phố. “Vòng xoáy “nghề nghiệp” cứ thế siết lấy, tôi không có đường lui. Lúc đó, lương thiện có lẽ cũng đã quên mất tôi rồi” - chị Xuân ngậm ngùi.

Cánh cửa cuộc đời sẽ chẳng bao giờ khép

Năm 2005, chị Xuân bị công an bắt. Với “thâm niên” tới 10 năm trong nghề, chị bị đưa đi cải tạo, phục hồi nhân phẩm tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng. Ở đây, chị gặp rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình, nghèo khó, bị hãm hại rồi theo đường lầm lạc. Được đồng cảm, được quan tâm giáo dục, chị Xuân sớm nhận ra lỗi lầm.

Chị cũng đã đưa ra quyết tâm sẽ cải tạo tốt để nhanh chóng ra trại, quay về quê sống một cuộc đời lương thiện. Sau 13 tháng, Xuân tái hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, vừa chạm ngưỡng thực tại, thời gian ở Trung tâm 05-06 lại không đủ sức thay đổi “lối mòn” trong tâm thức chị.

“Ngựa quen đường cũ”, chị Xuân lại tìm đến “chốn xưa” dù sức cạn, sắc tàn. Thay vì mặc cảm ê chề, chị Xuân trở nên lì lợm, quyết bon chen cho mình một vị trí trong thế giới “gái đứng đường”.

Hoạt động tiếp đến gần 5 năm sau, chị Xuân lại bị công an bắt, đưa trở lại Trung tâm 05-06 cải tạo 18 tháng. Gặp lại, nhiều cán bộ lúc đó cũng tỏ ra bất ngờ vì không tin một người từng cải tạo tốt như chị phải vào đây lần thứ hai. Dù vậy, ai nấy vẫn ân cần quan tâm. Chính những cử chỉ, ân tình này đã khiến chị hối hận, ăn năn. Chị cũng khao khát hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Ngày trở về, cán bộ vỗ vai căn dặn: “Mong không phải gặp lại em ở nơi này nữa nhé!”. Từ câu nói đó, chị thấy mình càng cố gắng cho con đường hoàn lương. Chị hồ hởi khăn gói về quê. Thế nhưng, thực tại lại không như mong đợi.

Chị Xuân cho biết thêm, dù thuộc TP Đà Nẵng nhưng chị hoạt động mại dâm dưới phố nên hành vi của mình vẫn được bí mật ở quê. Nhưng đến lần thứ 2 vào trại, gia đình, bà con lối xóm đều biết chuyện xưa nay chị đi làm cái nghề đáng khinh bỉ. Vì thế, khi chị bước chân về làng, không một người thân tới đón.

Sau mỗi bước đi của chị, tiếng dè bỉu, mắng nhiếc của hàng xóm, tộc họ vẫn vang lên. Nhiều đêm rơi vào trạng thái lạc lõng, buồn tủi, chị Xuân phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới không quay lại còn đường cũ. Rồi chị gạt dị nghị, xin đi phụ bán cà phê, làm công nhân lấy cái ăn. Thời gian này, chị may mắn được địa phương động viên hỗ trợ tiền xóa đói giảm nghèo, chị lấy tiền đó để kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.

Chị Xuân tâm sự, càng cố gắng làm lụng, chị càng được bà con mở lòng, thương yêu trở lại. Đến nay, con đường hoàn lương đã thật sự mở ra cho chị cuộc sống thoải mái hơn, không phải lén lút, lo sợ.

Giờ đây gia đình cũng đã tha thứ, giúp chị yên tâm làm việc để nuôi con ăn học. Chị Xuân cho biết thêm, có rất nhiều người lầm lỗi như chị đã từng nghĩ đường về của gái bán dâm hầu như không có, nên cứ thể thả trôi cuộc đời mình. Lấy bản thân mình đơn cử, chị Xuân muốn nhắn gửi: “Cánh cửa cuộc đời sẽ chẳng bao giờ khép lại đối với bất cứ ai, nếu họ thật sự muốn hoàn lương”.


Tác giả bài viết: Nguyên Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok