Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở giặt rửa bao bì của hộ ông Lê Doãn Lọc để mục sở thị. Qua quan sát, cơ sở này được đặt sát bờ sông Nhơm; trang thiết bị, máy móc thô sơ; công tác vệ sinh và an toàn lao động không đảm bảo; nước thải bao gồm: vụn giấy, xi măng…chảy trực tiếp xuống sông Nhơm; hàng tấn bao bì nằm ngổn ngang dọc đường nội đồng và khu vực xung quanh, bốc mùi hôi khó chịu.
Dễ dàng nhận thấy cơ sở giặt rửa bao bì của hộ ông Lê Doãn Lọc chưa có hệ thống xử lý nước thải. |
Tiếp xúc với PV, bà B.T.L sống ở thôn Thái Bình bức xúc nói: Trước đây sông Nhơm còn có rất nhiều cá, tôm…từ khi cở giặt rửa bao bì đi vào hoạt động thì không thấy con tôm, con cá nào. Nước từ sông Nhơm được hút lên để phục vụ cho hoạt động sản xuất, sau đó nước thải lại chảy trực tiếp xuống sông. Những ngày nắng mỗi khi hoạt động không những ồn ào mà còn bụi mù cả một khu vực, ngày mưa thì nước thải chảy tràn lan, không những thế họ còn ngang nhiên đổ bao bì dọc hai bên con đường… khiến cuộc sống của chúng tôi hết sức khổ sở.
Nước thải màu trắng “vô tư” xả trực tiếp ra sông Nhơm. |
“Trươc thực trạng ô nhiễm, nhiều lần chúng tôi báo lên chính quyền địa phương, tuy có xử lý và nhắc nhở nhưng sau vài ngày họ vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn gây ô nhiễm như thường, cuộc sống của người dân ngày một ảnh hưởng, môi trường càng ngày một ô nhiễm. Rất mong các cấp ban, ngành của tỉnh sớm có biện pháp hiệu quả để chấm dứt triệt để tình trạng ô nhiễm, trả lại cuộc sống yên bình cho chúng tôi” - Một số hộ dân sống thôn Thái Bình, thôn Thái Sơn cùng chung những bức xúc, cho biết.
Bao bì nằm ngổn ngang mọi nơi, bốc mùi khó chịu. |
Được biết, ngoài cơ sở của hộ gia đình ông Lê Doãn Lọc thì trên địa bàn xã Thái Hòa hiện còn 27 cơ sở giặt và tái chế bao bì hoạt động suốt hơn 7 năm qua. Do số tiền bỏ ra để đầu tư trang thiết bị không lớn, chi phí rẻ…nên việc các cơ sở giặt bao bì “mọc lên như nấm”, bất chấp đánh đổi môi trường để lấy lợi nhuận.
Sở TN&MT Thanh Hóa “tuýt còi” cơ sở giặt rửa bao bì của hộ ông Lọc vì gây ô nhiễm môi trường. |
Trao đổi với PV, ông Lê Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: Việc cơ sở của hộ ông Lê Doãn Lọc gây ô nhiễm môi trường là có thật. Chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Vừa qua, Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử phạt 27/28 cơ sở liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Để tránh tình trạng ô nhiễm và đảm bảo việc làm, một là các hộ muốn sản xuất thì phải có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn do Chi cục Bảo vệ môi trường đặt ra, hai là cần quy hoạch tất cả các cơ sở tại một khu.
Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở giặt rửa bao bì hộ ông Lê Doãn Lọc, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã ra Quyết định xử phạt 25 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ hộ thực hiện nghiêm biện pháp khắc phục hậu quả.
Tác giả: Thu Thủy- Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường