Trong tỉnh

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Ngang nhiên tồn tại cơ sở chế biến khoáng sản không phép?

Mặc dù, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần ra văn bản nghiêm cấm hoạt động chế biến, vận chuyển và khai thác xử lý sét Bentonite ở khu vực trước đây là mỏ của Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp, hoạt động rầm rộ ngày, đêm tại địa bàn thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) mà không hề có bóng dáng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn cản.

Theo phản ánh của người dân thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về việc: Thời gian dài, nhiều doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng xưởng nghiền, chế biến, khoáng sản sét Bentonite. Việc làm trái phép này diễn ra hết sức “trắng trợn” cả ngày lẫn đêm, khiến dư luận hết sức bất bình, bởi không biết nguồn nguyên liệu ở đâu ra để họ xay, nghiên, chế biến suốt ngày đêm trong khi đã từ lâu khu vực này không có một giấy phép khai thác sét Bentonite nào được cấp phép. Hơn nữa, hàng ngày với hàng chục chuyến xe vận tả hạng nặng qua lại đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, giao thông, đường xá xuống cấp ...

Các xưởng chế biến khoáng sản sét Bentonite thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn hàng đêm hoạt động rầm rộ

Người dân thị trấn Nưa, cho biết: Theo quy luật hàng đêm vào khoảng 20 giờ cho đến gần sáng, các xưởng bắt đầu đi vào hoạt động chế biến và đóng bao sét Bentonite để chuẩn bị đến sáng cho các xe ô tô đến chở đi. Còn vào ban ngày là bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ và từ 15 giờ cho đến 17 giờ, các Công ty này dùng xe công nông chở sét Bentonite từ khu vực chân núi Nưa ra tập kết tại các xưởng.

Để kiểm chứng phản ánh của người dân thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, đúng 20 giờ chúng tôi có mặt tại các xưởng nằm dọc theo tuyến đường từ thị trấn đến đền Nưa. Các xưởng đều thắp điện sáng trưng, máy nghiền sét Bentonite chạy ầm ầm hết công suất, ở các xưởng đông vui, nhộn nhịp như công trường, cổng mở toang, công nhân hoạt động công khai.

Bà Nguyễn Thị. H, người dân thị trấn Nưa (xin được giấu tên) bức xúc, nói: Tối nào tôi cũng đi tập thể dục qua đây, các xưởng này đêm nào cũng đầu đặn hoạt động, bụi bay mù mịt lên đi qua, tôi phải đi thật nhanh, đường xá xuống cấp nghiêm trọng do các xe tải trọng lớn hàng ngày vào đây chở hàng, nên mặt đường thành thùng vũng đọng nước mưa. Mặc dù, hoạt động chế biến khoáng sản, bị chính quyền địa phương cấm, nhưng không hiểu sao các xưởng cứ “vô tư” hoạt động mà không hề bị kiểm tra, xử lý. Ở đây có hai xưởng lớn hoạt động nghiền với khối lượng nhiều, là của ông chủ tên Hải thuộc Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Tân Thanh Hưng và ông chủ tên Đức thuộc Công ty TNHH Tân Đức.

Khi được hỏi về hoạt động của xưởng chế biến sét Bentonite, ông Phan Thành. Đ, người dân thị Trấn Nưa, cưởi trả lời: Các anh thử xem, nếu không có “bảo kê” của cơ quan chức năng, người có trách nhiệm quản lý, thử hỏi các xưởng này có hoạt động được như vậy không? Bởi các xưởng to uỳnh đều với diện tích vài trăm m2, chứ có phải cái “kim” đâu mà giấu đi được; tiếng máy chạy ầm ầm vọng xa hàng trăm mét, hoạt động công khai vậy chả nhẽ chính quyền thị trấn không hay!? Khổ nhất là các hộ dân gần đường, cứ khoảng 4 – 5 giờ sáng đã bị đánh thức bởi các xe đầu kéo, xe bốn chân chạy rầm rập vào chở hàng đi, trẻ con khóc thét, người già giật mình không ngủ tiếp được.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, chứ không phải ngày một, ngày hai khiến người dân bức xúc nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, nhưng chỉ được thời gian các doanh nghiệp này tạm dừng, xong đâu lại vào đấy hoạt động công suất ngày càng nhiều lên. Đường giao thông nội thị nhỏ, không đáp ứng được xe tải trọng lớn, nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Không những vậy, hàng ngày các xe xúc và công nông vào chở sét Bentonite đào bới đất rừng, cày nát con đường vào cùa người dân chăm sóc, trông nom diện tích rừng được giao. Người dân chúng tôi mong muốn xử lý nghiêm doanh nghiệp đang hoạt động trái phép, và nhất là người được giao trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận, cố tình làm ngơ vì lợi ích nào đó, cần được làm rõ?

Ban ngày các xe công nông chở sét Bentonite về các xưởng chế biến tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn

Đi tìm nguồn nguyên liệu khoáng sản để các xưởng chế biến này, phóng viên đã gặp gỡ ông Lê Hùng Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – KTV, ông trả lời xót xa: Hầu hết nguyên liệu là do họ đang "đánh cắp' từ khu mỏ của công ty đã hết hạn giấy phép từ năm 2011 và mua rừng trồng của các hộ dân dưới cân núi Nưa. Sau khi thực hiện đóng cửa mỏ, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – KTV được giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý khu mỏ trên diện tích 16,6 km2.

Để không thất thoát nguồn tài nguyên của Quốc gia, Công ty đã ký phối hợp bảo vệ với: Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa, Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND huyện Triệu Sơn và các UBND xã có diện tích mỏ, như: Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa) Văn Sơn, Thái Hòa (huyện Triệu Sơn) và Tân Khang, Tân Thọ (huyện Nông Cống). Nhưng do sự phối hợp yếu và không quyết liệt của cơ qan chức năng, tình trạng ăn cắp, chế biến, vận chuyển khoáng sản sét Bentonite vẫn diễn ra thường xuyên. Các doanh nghiệp, đặc biệt tại thị trấn Nưa hiện nay diễn ra các hoạt động này, công khai cả ngày, lẫn đêm.

Các xe tải trọng lớn vào xưởng vận chuyển sét Bentonite đi các nơi tiêu thụ

Đặc biệt, hiện trên một số diện tích mỏ của Công ty, chính quyền giao đất cho người dân thuê thầu trồng rừng, lợi dụng đất được giao, nhiều hộ gia đình đã tự ý khai thác, đào bới khoáng sản bán cho các Công ty ở thị trấn Nưa.

Để xử lý nghiêm được tình trạng này, trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương và cơ quan Công an đã được giao rõ tại Văn bản số 96/TB – UBND ngày 22/5/2017, Thông báo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền. Trong đó, việc phối hợp giữa Cơ quan, ban, ngành… đã được giao cụ thể và tỉnh Thanh Hóa sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm nếu còn để xảy ra tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển sét Bentonite. Nhưng từ chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nay đã 3 năm tình trạng này không thuyên giảm. mà ngày càng rầm rộ công khai.

Đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, các cuộc hội nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa, sở, ban, ngành… UBND huyện Triệu Sơn và UBND thị trấn Nưa về giải quyết tồn tại các cơ sở chế biến khoáng sản và khôi phục điểm mỏ sau hết phép. Tuy nhiên, việc ngang nhiên tồn tại các xưởng chế biến khoáng sản nhiêu năm qua mà không bị "sờ gáy" xem nguồn nguyên liệu có hợp pháp hay không đang là cơ hội để các doanh nghiệp đánh cắp tài nguyên khoáng sản ở khu vực này, rất cần chính quyền địa phương phải xử lý thích đáng!

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

Tác giả: Phạm Hoàng

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok