Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có mặt tại mỏ đá của Công ty TNHH sản xuất VLXD Đồng Thắng (Công tyĐồng Thắng), đứng từ dưới nhìn lên là vách đá dựng đứng cao hàng chục mét, nhiều mỏm đá om, đá treo, hàm ếch lởm chởm rất nguy hiểm có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Ngay cạnh vách đá treo leo là một thợ khoan đang tìm những miếng đá “nạc” để khoan. Phía dưới chân núi là máy xúc, xe ô tô và những người thợ đang khoan với tảng đá lớn mà không hề có trang bị bảo hộ lao động
Thợ khoan đá ở dưới, phía trên núi là hàm ếch không có bảo hiểm lao động có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào |
Tại khu vực khai thác đá của Công ty Đồng Thắng là một đại công trường rộng lớn, đá vứt ngổn ngang lởm chởm, những tảng đá to mới được công nhân nổ mìn lăn từ trên núi xuống. Tại đây có 2 công nhân với chiếc máy nổ đang hoạt động ầm ầm, bụi mù mịt, tiếng máy khoan đá kêu đến inh ta, nhức óc. Điều khó hiểu là trời nắng như đổ lửa, nhưng các thợ khoan không được trang bị đồ bảo hiểm lao động, ở trên cao những vách đá nhô ra rất nguy hiểm có nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào
Khai thác đá không đúng thiết kế mỏ, khai thác vách đứng, kiểu hàm ếch |
Theo quan sát của chúng tôi cho thấy, mỏ đá của Công ty Đồng Thắng đã có dấu hiệu không tuân thủ theo đúng quy định, quy trình khai thác đá, không cắt tầng, phân lớp, làm từ trên đỉnh xuống chân núi mà đã bỏ qua các quy định trong khai thác, vi phạm trình tự khai thác để lại vách đứng, hàm ếch rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn lao động là rất cao. Điều này khiến cho người lao động trở thành người vi phạm quy định về an toàn lao động, nên khi xảy ra tại nạn lao động, khi đó người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi.
Được biết, Công ty Đồng Thắng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất theo Giấy phép số 62/GP-UBND ngày 4/2/2016 để chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát với tổng diện tích khai thác là 245.241 m3, trong đó tận thu đá ốp lát là 18.638 m3 tại xã Đồng Thắng. Trong mục 7, Điều 2 cũng quy định rõ: “…Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thợ đang khoan đá tại núi, bên cạnh là những tảng đá to bị rạn nứt có nguy cơ đổ sập |
Ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập Đoàn Kiểm tra liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Công an tỉnh, Sở Lao động- thương binh và xã hội và UBND huyện Triệu Sơn tiến hành kiểm tra mỏ đá của Công ty Đồng Thắng. Biên bản Đoàn kiểm tra kết luận: Tại khu vực khai thác, các thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng) có giá trị vượt quá quy định tại thiết kế mỏ đã được phê duyệt; Khu vực khai trường đơn vị đang khai thác tạo mặt bằng, tuy nhiên yêu cầu đơn vị khẩn trương cạy gỡ đá om, đá treo; Chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo ĐTM đã được phê duyệt; Chưa làm đường lên núi; Chưa thực hiện các quy định về điều kiện liên quan đến an toàn vệ sinh lao động…
Biên bản kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành |
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử, ông Nguyễn Tất Cầu, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: Vừa qua Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra Công ty Đồng Thắng. Trong quá trình khai thác Công ty cũng đã để lại một số vấn đề tồn tại như kết luận của Đoàn kiểm tra. Nhưng ông Cầu lại một mực khẳng định: Khu vực khai thác đá của Công ty Đồng Thắng không có khai thác đá xẻ, đá ốp lát nên không có đá om, đá treo, hàm ếch!?
Nhưng khi PV đưa những kiến nghị của Đoàn kiểm tra kết luận là có đá om, đá treo, khai thác hàm ếch cùng nhiều sai phạm khác và những hình ảnh công nhân đang khoan những tảng đá xẻ lớn để sản xuất đá ốp lát thì ông Cầu không nói gì.
Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Tác giả: Tuyết Trang
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường