Người dân phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) nuôi hàu trên sông Lạch Bạng. |
Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật giúp hộ ông Lê Quang Tể, thôn Nam Sơn, thị xã Nghi Sơn thử nghiệm nuôi hàu Thái Bình Dương tại vụng Nghi Sơn. Gia đình ông đã đầu tư giàn bè và tận dụng lồng bè nuôi cá thả nuôi 370 dây (mỗi dây 20 giá bám, mỗi giá bám có từ 17 đến 25 con hàu giống). Sau 10 tháng nuôi, lứa hàu đầu tiên của ông đạt 4 - 5 con/kg, thu hoạch được 0,8 tấn hàu thương phẩm, thu lãi hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy con hàu phát triển tốt trên vụng Nghi Sơn, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng cho một nghề nuôi trồng đối tượng mới. Đến năm 2014, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Nghi Sơn triển khai thực hiện mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương thương phẩm tại vùng cửa Lạch Bạng, phường Hải Bình, với quy mô 26.000 giá bám/4 hộ tham gia nuôi. Sau 9 tháng nuôi hàu đạt cỡ 4 - 5 con/kg sản lượng thu hoạch được 63 tấn, lợi nhuận hơn 1,9 tỷ đồng. Đến nay, nuôi hàu Thái Bình Dương đã được nhân rộng ra các phường Xuân Lâm, Hải Thượng, Hải Châu, Hải Ninh, Hải Thanh, Hải Bình và xã đảo Nghi Sơn, với diện tích hơn 100 ha và nhiều hình thức nuôi, như: giàn, bè treo dây, nuôi lồng... Phần lớn người dân ở thị xã Nghi Sơn đang nuôi hàu theo phương pháp treo giàn, người nuôi xây dựng các giàn nổi bằng những cây luồng liên kết lại với nhau trên mặt nước, dùng dây cước cột cố định hàu giống, mỗi dây thường nuôi 4 con, khoảng giữa các con hàu là 20cm, treo mỗi dây cách nhau 30cm... Ngoài nuôi hàu thương phẩm, một số hộ dân ở khu vực vụng Nghi Sơn còn đầu tư nuôi hàu sữa cho hiệu quả kinh tế cao.
Hàu Thái Bình Dương là loài nhuyễn thể ăn lọc các sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên không mất chi phí thức ăn và còn có tác dụng làm sạch môi trường. Ngoài ra, những khu vực nuôi hàu còn là nơi trú ngụ cho các loài thuỷ sản khác, góp phần vào việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản vùng ven bờ. Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, cho biết: Hàu Thái Bình Dương có ưu điểm về kích thước, khối lượng cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế và nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, khi đầu tư nuôi hàu cần phải lưu ý một số vấn đề về kỹ thuật để bảo đảm thành công cao nhất. Nghề nuôi hàu Thái Bình Dương ở khu vực vụng Nghi Sơn còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, thị xã Nghi Sơn cần có định hướng vùng nuôi, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực nuôi. Tích cực tuyên truyền đến với người nuôi về giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình thu hoạch và sơ chế hàu. Để nghề nuôi hàu phát triển bền vững, các ngành có liên quan của tỉnh, thị xã Nghi Sơn thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các hộ nuôi chủ động phòng tránh. Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàu sau thu hoạch.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực trạng diện tích mặt nước có thể nuôi hàu Thái Bình Dương ở các xã vùng ven biển thị xã Nghi Sơn là hơn 1.000 ha, bao gồm eo vụng Nghi Sơn, khu vực đảo Hòn Mê, sông Lạch Bạng, cửa Lạch Ghép... và những vùng khác có độ mặn cao, tương đối ổn định, thích hợp cho hàu phát triển, đối tượng nuôi này giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, làm sạch môi trường biển và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tác giả: Hải Đăng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa