Xã hội

Trên 300 tấn rác thải mỗi ngày đổ đi đâu?

Với mức tiếp nhận trên 300 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, bãi xử lý rác của tỉnh Quảng Ngãi tại xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) sẽ đầy vào cuối tháng 10/2017. Đến thời điểm đó, rác thải sinh hoạt sẽ không biết đổ đi đâu vì 2 dự án xử lý rác được cấp phép đầu tư hiện vẫn nằm trên giấy.

Mỗi ngày bãi rác Nghĩa Kỳ tiếp nhận, xử lý chôn lấp trên 300 tấn rác thải sinh hoạt.

Tỉnh Quảng Ngãi có 2 bãi xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) và Đồng Nà (TP. Quảng Ngãi). Trong đó, bãi rác Đồng Nà đã đóng cửa từ tháng 4/2017 vì không đảm bảo các yếu tố về môi trường. Vì vậy, lượng rác thải sinh hoạt của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TP. Quảng Ngãi đều được tập trung về bãi xử lý rác Nghĩa Kỳ.

Bãi rác Nghĩa Kỳ bao gồm 3 hố chôn lấp rác thải, hệ thống thu gom nước rỉ rác, hệ thống xử lý nước rác, trạm bơm nước, khu nhà điều hành, hệ thống thoát nước mưa bãi rác, các giếng quan trắc nước ngầm. Bãi xử lý được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2011 với tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng.

Theo thiết kế ban đầu, mỗi ngày bãi rác Nghĩa Kỳ tiếp nhận, xử lý khoảng 85 tấn rác thải cho 10 xã, phường của TP. Quảng Ngãi (thời điểm chưa mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 123 của Chính phủ).

Tuy vậy, từ năm 2016 bãi rác Nghĩa Kỳ phải tiếp nhận thêm lượng rác thải của một số huyện khác trong tỉnh. Đến tháng 4/2017, thời điểm bãi rác Đồng Nà đóng cửa - bãi rác Nghĩa Kỳ tiếp nhận, xử lý rác cho 4 huyện, thành phố trong tỉnh với khối lượng trên 300 tấn rác thải mỗi ngày. Chính vì vậy, các hố chôn lấp rác thải đầy lên rất nhanh.

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, hiện tại hố số 1 và 2 đã đầy và được xử lý chôn lấp. Riêng hố số 3 có dung tích 64.000 m3 bắt đầu đổ rác từ tháng 6/2017. Với khối lượng rác phải tiếp nhận như hiện nay thì đến hết tháng 10/2017 hố số 3 sẽ đầy.

Hố chôn lấp rác thải cuối cùng của bãi rác Nghĩa Kỳ sẽ đầy vào cuối tháng 10/2017.


“Trước đây, các hố rác này được thiết kế để xử lý rác cho TP. Quảng Ngãi, nhưng do nhiều nguyên nhân, UBND tỉnh đã cho phép các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và thậm chí có lúc cả Bình Sơn đưa rác về đây nên các hố chôn lấp đầy lên rất nhanh”, ông Trần Nhật Liên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi - đơn vị quản lý bãi rác Nghĩa Kỳ, cho biết.

Để đảm bảo yêu cầu xử lý rác thải, đầu năm 2017 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh là công ty Bắc Giang đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Đồng Nà; công ty Miền Bắc triển khai dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi rác Nghĩa Kỳ. Theo cam kết của chủ đầu tư, đến cuối năm 2017 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, cả 2 dự án có nhiệm vụ "giải cứu" cho bãi rác Nghĩa Kỳ hiện vẫn còn nằm trên giấy.

"2 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng. Với tình hình này, đến hết tháng 10/2017 là 300 tấn rác thải sẽ không còn chỗ đổ. Hiện chúng tôi chưa biết phải làm thế nào", ông Liên nhấn mạnh.

2 dự án xử lý rác thải nằm trên giấy, 300 tấn rác thải của tỉnh Quảng Ngãi sẽ đi về đâu?


Theo ông Liên, trong tình thế cấp thiết phải xin phép tỉnh đào hố đủ quy chuẩn xử lý theo kiểu cũ hoặc đào hố chôn tạm. Tuy nhiên, hố chôn tạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vì nước rỉ rác ngấm vào đất. Trong khi đó, việc xây dựng hố chôn lấp đủ quy chuẩn cũng không đảm bảo thời gian vì lớp lót chống thấm phải mua từ nước ngoài.

Liên quan đến 2 dự án xử lý rác chậm tiến độ khiến tỉnh Quảng Ngãi "bí" nơi xử lý rác thải, ông Nguyễn Công Hoàng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: chủ đầu tư 2 dự án xử lý rác thải tại Đồng Nà và Nghĩa Kỳ vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng.

"Đối với dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Đồng Nà do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bắc Giang làm chủ đầu tư chỉ mới ở giai đoạn lập quy hoạch; dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại bãi rác Nghĩa Kỳ do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc làm chủ đầu tư hiện vẫn chưa có động tĩnh gì", ông Hoàng thông tin.

Như vậy, chỉ khoảng 2 tháng nữa, trên 300 tấn rác thải mỗi ngày của tỉnh Quảng Ngãi sẽ phải đổ đi đâu?

Tác giả: Hà Xuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok