Về Tết được 1 giờ cũng rất quý
Những ngày vừa qua dư luận đang nóng lên xoay quanh các tranh luận liên quan đến bài văn "Ghét Tết" của em học sinh thế hệ 10X, Đất Việt đã liên hệ trò chuyện với các vị phụ huynh, các thế hệ lớn tuổi tại một số vùng quê trên cả nước để lắng nghe các tâm sự về ngày Tết truyền thống.
Chia sẻ với Đất Việt, ngày 10/1, bác Nguyễn Gia Bảo (60 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết: "Là tâm lý người lớn tuổi thì ai cũng thích Tết truyền thống vì ngày Tết là ngày sum vầy đoàn tụ của mỗi gia đình, hơn nữa, sự hạnh phúc của ông bà già mà được con cháu về chúc mừng Tết lớn lao không đo đếm được bằng vật chất.
Tết giờ đây chỉ còn là vấn đề tinh thần, chứ còn chi phí cho Tết không còn quan trọng, vì nhu cầu ăn uống, bánh kẹo rất ít, đặc biệt, khoản chi phí với người nhà quê, cao tuổi cũng rất thấp.
Nhà tôi cũng có 3 người con, cậu con trai đầu thì hai vợ chồng, con cái đang ở trong Sài Gòn, còn hai cô con gái đang công tác ngoài Hà Nội. Dịp Tết thì thường cậu con trai không về được, bởi vì, đường xá xa xôi, cũng bận công việc làm ăn nên ngại về Tết, nghỉ cũng chỉ được 7 ngày, nên hè các cháu mới về.
Con cái nhiều khi không muốn về ăn Tết do quá xa |
Mọi năm, ngày Tết chỉ có 2 cô con gái hay về, nhưng Tết năm nay chưa chắc hai cô con gái về được, vì cô con gái lớn hơn năm nay mua nhà Hà Nội, năm đầu tiên phải ở lại để hương khói, còn cô út thì phải trực Tết mùng 1 âm mới được nghỉ".
Cũng theo bác Bảo, bây giờ cuộc sống nhu cầu sinh hoạt vật chất cũng không quan trọng, có một số giới trẻ còn không muốn về quê ăn Tết mà thích đến nhà bạn chơi, hoặc đi du lịch. Nhưng vẫn có người giàu tình cảm muốn về quê với bố mẹ, ông bà, không về không được.
"Tôi còn nhớ cô con gái út nhà tôi, mấy năm trước cũng phải trực ca đến tận sáng mùng 2 mới được nghỉ, chiều mùng 1 làm xong là chạy ra xe 5-6h chiều để về nhà, rồi mùng 4 đã phải đi. Trong ngày Tết chỉ cần ở nhà với bố mẹ đoàn tụ 1-2h cũng đáng quý, miễn là có giây phút đoàn viên.
Bản thân tôi là người có suy nghĩ tân tiến, nếu con cái bận công việc ở lại trực cho cơ quan theo lịch, ở xa quá đường xá xa xôi thì mình phải chấp nhận, nhưng một số không muốn về quê mà đi chơi thì tôi thấy không hạnh phúc lắm, bố mẹ sẽ thấy hẫng hụt.
Như tôi năm nay 60 tuổi, cũng mới có cháu nội, nhưng nếu nhà tôi mà chờ một cuộc đoàn tụ đông đủ con cháu một lúc thì khó, vì các cháu nghỉ hè về thì bố mẹ bận làm ăn trong Sài Gòn, về thăm các cô chỉ trong chốc lát, còn khi bố mẹ các cháu về được thì các cô lại bận việc.
Cho nên để có được Tết đoàn viên ở mỗi gia đình trong dịp Tết là hơi khó, ở các vùng quê con cái đi làm ăn xa, thì con cái ngại về ăn Tết, được nghỉ ngắn ngày, chi phí đi lại đắt đỏ, rồi vất vả, nên có tâm lý không muốn về.
Như con trai tôi, tôi cũng thông cảm bảo con cứ cho vợ con ăn Tết vui chơi trong đó, rồi hè về chứ chen chúc ngày Tết cũng mệt mỏi, dù cũng buồn nhiều lắm. Tết bây giờ nhà quê cũng như thành phố, hầu như nhà nào cũng chỉ đến chơi với nhau một tý rồi về đóng cửa, không còn tình cảm ấm áp như ngày trước.
Rồi đến cái tục lệ gói bánh chưng, đụng lợn ngày Tết giờ cũng hiếm, hầu như là ra quán mua vài cái bánh gói sẵn, mua vài cái nêm cái giò là cũng xong cái Tết", bác Bảo tâm sự thêm.
Không còn như xưa
Cũng chia sẻ với báo Đất Việt, bác Nguyễn Văn Độ (57 tuổi, Thái Nguyên) cho biết: "Tết truyền thống bây giờ đã không còn được như ngày xưa, Tết xưa là đến nhà nào cũng phải uống rượu, ăn cơm với nhau rất đầm ấm, nhưng bây giờ thì chỉ vài câu xã giao rồi lại chia tay, chứ không tình cảm.
Nói ngay như con cái trong nhà đi xa lâu ngày về với bố mẹ ngày Tết cũng không tình cảm, cách thể hiện không ấm áp".
Cũng theo bác Độ, nhiều bạn trẻ hiện nay điều kiện có mà không muốn về với gia đình, thực sự rất đáng buồn. Trước đây, con cái đi làm xa chỉ mong Tết để về với bố mẹ, ông bà, nhưng giờ thì khác xưa nhiều. Thậm chí, có về nhà thì lại đi chơi bạn bè là chính, còn thời gian ở nhà tâm sự với bố mẹ không được bao nhiêu, hết ngày lại đi.
Trước kia, Tết mong con về gói bánh chưng cho vui, nhưng giờ thì ra chợ mua mấy cái thắp hương cũng xong cái Tết.
Là người phụ nữ cũng có con gái đang đi làm ăn xa và công tác dưới Hà Nội, bác Hoàng Thị Ngọc (65 tuổi, quê Bắc Giang) chia sẻ: "Nhà tôi có hai người con, 1 trai, 1 gái, nhà đã ít con nhưng một đứa thì đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản, còn một đứa thì đang đi làm dưới Hà Nội.
Cậu con trai cả thì 4 năm nay chưa về, ngày Tết cũng chỉ gọi điện qua máy của em gái nói chuyện chúc Tết bố mẹ vài câu rồi lại thôi, nên thành ra mấy cái Tết này với nhà tôi cũng không cầu kỳ lắm.
Thế nhưng, dù ở quê nhưng tôi cũng không vui vẻ gì mấy ngày Tết, kể cả không ăn cũng phải mua sắm đủ đồ nào là thắp hương rồi bạn bè đến chơi, giờ ăn thì ít mà dọn ra, dọn vào thì nhiều, rất mất công".
Cũng theo bác Ngọc, trước đây Tết ở quê rất vui vì có nhiều lễ hội cũng như mọi người hay đến nhà nhau chơi, chung nhau mổ lợn, gói bánh chưng, nhưng giờ thì dần dần đã mất đi hết.
Tác giả: Châu An
Nguồn tin: Báo Đất việt