Giáo dục

Tranh luận việc đưa nhiều thứ tiếng vào hệ 10 năm

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện Bộ GD-ĐT dự kiến xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Ảnh minh họa


Việc đưa tiếng Anh vào chương trình giáo dục các cấp là điều dễ hiểu vì ai cũng hiểu tiếng Anh có vai trò thế nào trong một thế giới ngày càng phẳng.

Còn các thứ tiếng khác vì sao lại đưa vào chương trình giảng dạy hệ 10 năm, tương tự như tiếng Anh?

Học ngoại ngữ để biết... sơ sơ?

Theo lý giải của Bộ GD-DT, việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.

Theo nhiều chuyên gia, việc giáo dục nên tập trung vào một ngôn ngữ duy nhất được cả thế giới công nhận là ngôn ngữ quốc tế, thay vì đưa ra nhiều lựa chọn, học sinh có thể học 5-7 thứ tiếng nhưng rồi chẳng giỏi một tiếng nào.

Nhà giáo nhân dân, giáo sư (GS) Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định thập niên 1960, 1970 thì VN coi tiếng Nga, tiếng Trung là ngoại ngữ bắt buộc. Nhiều người phải học tiếng Nga, tiếng Trung để sang những nước ấy học tập.

Nhưng sau này tiếng Nga, tiếng Trung không được sử dụng như ngoại ngữ thứ nhất nữa, những thầy cô dạy hai thứ tiếng này phải học lại tiếng Anh để giảng dạy tiếng Anh.

Theo ông Kỳ Anh, tiếng Trung và tiếng Nga không phải là những tiếng phổ thông, không đại diện cho ngôn ngữ quốc tế, do vậy chưa nên làm ngoại ngữ thứ nhất.

“Hướng đến hội nhập quốc tế, người Việt cần tập trung vào một ngoại ngữ, đó là tiếng Anh. Việc học các thứ tiếng khác có thể tùy theo nhu cầu và định hướng của gia đình, bản thân và năng khiếu của người học”, ông Kỳ Anh nêu quan điểm.

Một vấn đề khác mà các chuyên gia băn khoăn là chúng ta đã phổ cập tiếng Anh từ hơn 20 năm nay, nhưng nhìn vào chất lượng giảng dạy vẫn chưa đảm bảo từ giáo viên đến cơ sở vật chất.

Theo các chuyên gia, điều kiện dạy và học tiếng Anh vẫn chưa thật sự hiệu quả và đồng đều giữa các địa phương. Nhiều học sinh, sinh viên ra trường không ứng dụng được tiếng Anh vào đời sống và công việc. Cần phải có sự đầu tư chăm chút hơn để nâng cao trình độ giáo viên giảng dạy tiếng Anh. Nếu còn gồng gánh thêm những ngôn ngữ khác nữa là rất khó.

“Học một thứ tiếng thật giỏi còn hơn biết nhiều thứ tiếng nhưng không rành”, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh đúc kết.

Cần khảo sát nhu cầu người học

Theo TSKH Nguyễn Kế Hào, muốn biết nên dạy và học ngôn ngữ nào cần xét đến tính thực dụng và tính phổ quát của ngôn ngữ ấy.

Ngoài ra, cần khảo sát nhu cầu người dân cần học ngoại ngữ nào, học đến đâu, từ đó mới có lộ trình đào tạo số lượng giáo viên cụ thể.

Đồng tình với quan điểm này, GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, đánh giá cách làm khoa học nhất là nên có nhiều cuộc khảo sát về nhu cầu xã hội đối với một số ngoại ngữ như tiếng Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn trước khi ra một quyết định.

Theo TS Nguyễn Kế Hào, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được giải quyết trước khi đưa ra quyết định đưa vào giảng dạy tiếng Trung, tiếng Nga như: chương trình dạy thế nào, lộ trình ra sao, nguồn giáo viên từ đâu, trình độ đến đâu…

Không nên định kiến về ngôn ngữ?

Ở một góc nhìn khác, PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, một nhà giáo dục và nhân học, cho biết bà ủng hộ việc đưa tiếng Trung và tiếng Nga vào chương trình mới hệ 10 năm.

Theo bà Ngọc, việc hội nhập phải được tiến hành bình đẳng với tất cả các cộng đồng quốc tế. Dù tiếng Anh đang là ngôn ngữ có xu hướng chiếm vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán quốc tế nhưng cũng không thể bỏ qua nền văn hóa vĩ đại của Nga hay nền văn hóa phương Đông.

Việc hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa của Nga hay Trung, theo bà Ngọc, là một lợi thế trên bàn đàm phán quốc tế khi chúng ta có những chuyên gia giỏi không chỉ về tiếng nói mà còn về văn hóa.

Liệu có nhu cầu xã hội không?

Là người nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, chia sẻ với TTO quan điểm của mình về vấn đề này:

Theo tôi, trong một trường phổ thông có dạy nhiều thứ tiếng là chuyện bình thường. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay chúng ta chưa nên đưa thêm ngoại ngữ nữa vào trường phổ thông vì nhiều lý do.

Một là chúng ta cần chuẩn bị chu đáo cho việc này. Đây là một khối công việc khổng lồ như biên soạn chương trình, giáo trình, huy động và đào tạo giáo viên, tạo dựng cơ sở vật chất...

Hai là những ngoại ngữ dự định đưa vào liệu có nhu cầu xã hội không.

Ba là hiện nay với tiếng Anh mà chúng ta đã đầu tư gần 30 năm nay nhưng hiệu quả vẫn còn rất thấp, cả thầy lẫn trò.

Tôi thiết nghĩ cách làm khoa học nhất là chúng ta phải có nhiều cuộc khảo sát về nhu cầu toàn xã hội, nhu cầu của các địa phương đối với những ngoại ngữ dự định đưa thêm vào trường trước khi ra một quyết định. Còn tiếng Anh, nhu cầu chắc đã quá rõ ràng.

Có ba vấn đề cần xem xét.

Một là, dù cho chúng ta không coi tiếng Anh là tuyệt đối, có nghĩa là đại đa số cần tiếng Anh, nhưng cũng có thể có một bộ phận dân số nào đấy cần một ngoại ngữ khác để theo đuổi mục đích học tập, hoặc thương mại, hoặc nghiên cứu, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước... (ví dụ người học Đông y cần tiếng Trung, người đi học tập, lao động ở Hàn Quốc cần tiếng Hàn...). Nhưng cuối cùng chúng ta cần phải có nghiên cứu, khảo sát để xác định những nhu cầu ấy có nhiều tới mức cần phải đưa vào trường phổ thông không.

Hai là, rõ ràng trong gần 30 năm qua chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào tiếng Anh từ phía Nhà nước cũng như phụ huynh học sinh, đầu tư kinh tế và cả tấm lòng vì tương lai của con cái, nhưng kết quả cho đến nay vẫn rất thấp.

Theo phổ điểm thi tốt nghiệp phổ thông năm 2015, 2016 thì có tới trên 80% (tính trung bình) đạt điểm dưới trung bình. Cho nên trước mắt chúng ta nên tập trung vào đầu tư để nâng cao chất lượng tiếng Anh, có như thế mới đạt mục tiêu chúng ta đề ra là thanh niên Việt Nam có thể dùng tiếng Anh một cách tự tin để hội nhập (Đề án 2020).

Ba là, không nên đưa thêm ngoại ngữ ở lứa tuổi tiểu học. Một điều logic là khi đưa thêm tiếng Nga, Trung, Nhật, Hàn thì học sinh phải lựa chọn một trong những ngoại ngữ đó để học. Trẻ tiểu học chưa có khả năng lựa chọn và phụ huynh chưa thể khẳng định con đường xây dựng sự nghiệp của con mình nên có thể lựa chọn không chính xác. Ở tuổi tiểu học chỉ nên có một ngoại ngữ là tiếng Anh. Tiếng Anh là phổ dụng nhất cho hầu hết các mục đích.

Trước mắt chúng ta vẫn đầu tư vào các ngoại ngữ khác nhưng tập trung đầu tư vào các khu vực đang có nhu cầu cao như các trường có các khoa ngoại ngữ, các trường có nhu cầu cụ thể như đào tạo bác sĩ Đông y...

Dạy môn nào cũng phải đưa hiệu quả lên đầu

Nhiều bạn đọc có chung quan điểm nên tập trung đầu tư, giảng dạy tiếng Anh thật hiệu quả để các em học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng sinh hoạt trong môi trường quốc tế, thay vì đầu tư dàn trải ra nhiều thứ tiếng khác để rồi tiếng nào cũng chỉ biết một chút, không ứng dụng gì được.

“Tập trung nâng cao chất lượng môn Anh văn đi. Bao nhiêu năm nay chất lượng môn này có đạt yêu cầu chưa?”, độc giả Trần Quang nêu ý kiến.

Bạn đọc Thanhtuan cho rằng lý giải của Bộ GD-ĐT chưa rõ, như là phụ thuộc vào người học, tùy tình hình, điều kiện để dạy một trong năm ngôn ngữ.

“Ví dụ không đủ giáo viên dạy tiếng Anh mà dư giáo viên tiếng Trung và tiếng Nga thì học sinh bắt buộc học tiếng Trung, tiếng Nga à?”, bạn đọc đặt câu hỏi.

Tác giả bài viết: Võ Hương - An Nhiên - Mai Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok