Cần nâng chất công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh phổ thông |
Những con số biết nói
Cảnh báo học vụ là việc trường đại học buộc phải làm sau khi kết thúc một học kỳ theo Quy chế đào tạo. Do đó, mỗi sinh viên có điểm trung bình tích lũy dưới 2,5 điểm sẽ nhận cảnh cáo học vụ để có ý thức học tập nhằm cải thiện điểm số.
Sau 3 lần bị cảnh báo mà sinh viên vẫn không có sự thay đổi thì sẽ bị buộc thôi học. Kết quả xét và xử lý học vụ học kỳ 2 năm học 2016-2017 vừa được Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM công bố có đến 2.135 sinh viên bị cảnh báo học vụ. Đặc biệt, trong số này có 257 bị nhà trường buộc thôi học.
Không chỉ có Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM là có nhiều SV bị cảnh cáo học vụ, đuổi học. Trước đó, kết thúc học kỳ 2 của năm học 2016-2017, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã ra quyết định cảnh báo học vụ và buộc thôi học hơn 600 sinh viên.
Tình hình còn căng thẳng hơn ở các trường ĐH top đầu. Tại Hà Nội, Đại học Bách khoa cho biết, mỗi năm 700-800 sinh viên bị trường buộc thôi học do kết quả học tập thấp. Ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM trung bình có khoảng 70% SV trường này trúng tuyển có thể tốt nghiệp ra trường. 30% SV còn lại rơi rụng qua các năm, trong đó nhiều nhất là sau khi học hết năm nhất. Đáng chú ý là trong số những SV bị cảnh báo học vụ có cả những sinh viên điểm thi đầu vào cao, từng là học sinh giỏi quốc gia ở cấp phổ thông!
Vai trò cố vấn học tập chưa tốt
Một nguyên nhân quan trọng để sinh viên đi đến cảnh bị cảnh cáo học vụ là ý thức học tập chưa tốt. Không ít SV khi rời khỏi vòng cương tỏa của mẹ cha, cộng với môi trường ĐH tự học là chính, không bị kèm cặp như phổ thông, đã “bung lụa” mê chơi. Một số khác có hoàn cảnh khó khăn, đi làm thêm quá nhiều, đến khi có thu nhập khá thì không nỡ buông, thà… lơ là việc học hơn là mất cơ hội kiếm tiền.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong công tác quản lí, co một nguyên nhân nữa là vai trò của cố vấn học tập chưa phát huy hiệu quả một cách triệt để. Liên quan đến vụ cảnh cáo học vụ ở Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, lãnh đạo nhà trường cũng đã thừa nhận thực tế này...
Gốc rễ là công tác hướng nghiệp
Một nguyên nhân nổi bật khá rõ nét dẫn đến tình trạng SV bị cảnh cáo học vụ là khá nhiều SV trúng tuyển vào ngành học không yêu thích, hoặc không đủ năng lực để theo học.
Có thể nói, chính sách tuyển sinh vào trường chất lượng cao vừa qua của một số trường đã tỏ ra “ưu ái” điểm đầu vào cho thí sinh hơn hệ đại trà. Cùng một ngành thuộc trường nhưng vào chất lượng cao điểm có thể thấp hơn đại trà đến vài điểm.
Ấy là còn chưa kể nhiều chương trình chất lượng cao, điểm đầu vào tuy thấp nhưng đòi hỏi rất cao về trình độ tiếng Anh. Một số trường SV phải có trình tương đương 5.5 IELTS mới học kịp. Hơn thế, học phí chất lượng cao có nơi gấp 9 lần hệ đại trà.
Thế nhưng khi đăng ký tuyển sinh, nhiều thí sinh và gia đình cứ nhắm cho đậu hẵng hay. Trong quá trình học, thực tế nhiều SV đã bị dội vì áp lực ngoại ngữ và tài chính. Một số trường được tự chủ trong đưa ra các tổ hợp tuyển sinh, để có thể “tận thu” tốt nhất nguồn tuyển, đã không ngại ngần mở những tổ hợp “lạ”, kiểu như học kế toán, kỹ thuật mà tuyển khối C. Thí sinh không được định hướng tốt, cứ nhắm đậu là đăng ký. Khi vào học thực tế thì năng lực học tập không đảm bảo để theo các môn “lạ” với sở trường của mình.
Nói như một số cán bộ phụ trách đào tạo ở các trường, cần cải thiện ở khâu hướng nghiệp - tuyển sinh phải làm kỹ hơn. Nếu sinh viên không đủ niềm đam mê và năng lực học tập để theo đuổi ngành học đã chọn, thì rất khó để hóa giải được vấn đề. Cũng như một cuộc hôn nhân, nếu ngay từ đầu các em đến với nghề, với trường sau một sự tìm hiểu, cân nhắc đúng đắn, nghiêm túc, sẽ không phải rơi vào cảnh “khủng hoảng hôn nhân”, đi đến “ly hôn”.
Giới trẻ hiện nay đã có nhiều lựa chọn, thậm chí nếu có cơ hội, họ cũng sẵn sàng bỏ học để khởi nghiệp, du học, chuyển trường... Rõ ràng đại học không phải con đường duy nhất. Tuy nhiên, loại bỏ nhóm nguyên nhân này thì với việc bị cảnh cáo học vụ do lười học, không đủ năng lực và đam mê theo học do chọn nhầm trường, cần phải có giải pháp căn cơ và tích cực. |
Tác giả: Hà Bình
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại