Chào các anh chị, sau khi đọc bài viết 'Nhà chồng nghĩ chung cư đắt tiền của chúng tôi là nhà trọ', em muốn kể câu chuyện của chính em - một người trong cuộc đã và đang phải chịu cảnh dở khóc, dở cười khi có họ hàng đến ở nhờ. Cũng vì chuyện này mà cuộc sống của em ngột ngạt vô cùng.
Vợ chồng em đều là dân tỉnh lẻ, chúng em lấy nhau cách đây 4 năm và có với nhau một cậu con trai gần 2 tuổi.
Sau khi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng em cũng chẳng mấy dư dả. Sau vài năm cố gắng làm việc, dành dụm, cuối cùng chúng em mới mua được một căn nhà tập thể be bé ở Hà Nội để ổn định cuộc sống.
Ảnh: Pexels |
Tuy nhiên, cũng từ khi mua nhà, vợ chồng em liên tục phải cưu mang những người họ hàng bất đắc dĩ.
Em nhớ, lần đầu tiên khi biết chúng em mua nhà, một người họ hàng trong gia đình chồng em đã ngỏ ý muốn xin cho con trai mình đến ở nhờ để ôn thi đại học. Em nghĩ, anh chị ở quê cũng đang khó khăn nên đã đồng ý. Tuy nhiên, khi đứa cháu này về sống chung, cuộc sống vợ chồng em khó chịu vô cùng.
Những ngày đầu cháu đến nhà em ở, em rất chu đáo. Sáng nào em cũng đi chợ thật sớm mua thức ăn về nấu bữa sáng cho cả nhà. Trước khi đi làm, em còn đưa con trai mình đi nhà trẻ rồi lại cẩn thận nấu sẵn thức ăn bữa trưa để cháu ở nhà ăn uống rồi mới yên tâm ra khỏi nhà.
Em cứ nghĩ dù gì cháu cũng lớn tuổi, chắc phải gọn gàng, ngăn nắp lắm. Nhưng sự thật hoàn toàn khác. Ngày nào đi làm về em cũng thấy nhà mình y như một bãi chiến trường với ngổn ngang giấy tờ, đồ đạc. Bên trên giường, chăn màn vẫn chưa kịp gấp. Dưới sàn quần áo vứt mỗi chỗ một cái.
Trong khi em lặng lẽ dọn dẹp thì cháu em lại vô tư nằm nghe nhạc. Em thấy như vậy thì bức xúc mắng vài lời nhỏ nhẹ. Ai ngờ khi chồng em trở về nhà, cháu kể chuyện khiến anh nổi giận với em.
Anh nói rằng cháu anh còn bận học nên em không được so đo tính toán. Nếu không khi về quê em sẽ bị mang tiếng với họ hàng là khó tính, hay săm soi cháu. Em nghe như vậy thì đành nhẫn nhịn cho qua với hy vọng sau khi thi đại học xong, cháu sẽ về quê.
Nhưng nỗi khổ này chưa đi, nỗi khổ khác đã ập đến các chị ạ. Gần năm sau, chồng em lại thông báo chuẩn bị đón thêm đứa cháu nữa từ quê lên xin ở nhờ để học 4 năm đại học. Nghe xong, em như bủn rủn chân tay.
Đứa cháu này tuy ở quê nhưng mắc bệnh “công tử”. Một ngày cháu tắm gội hai lần. Quần áo chưa kịp bẩn cháu đã cho vào máy giặt quay liên tục khiến tiền nước, tiền điện tháng nào tháng ấy cứ tăng vèo vèo.
Chuyện ăn uống, cháu cũng hay chê bai rồi nhận xét món này nhạt, món kia mặn. Cháu còn có thói quen ăn uống đủng đỉnh nên mỗi bữa ăn của nhà em thường kéo dài hàng tiếng đồng hồ.
Đã vậy, bao nhiêu hoa quả, sữa, đồ ăn em mua về bồi bổ đều không cánh mà bay. Dù em có cất cao hoặc giấu kỹ tới mức nào thì cháu cũng tìm ra được. Đến bước đường cùng em phải mua thùng đem vào phòng khóa lại. Chồng em biết chuyện thì khó chịu ra mặt và nói em bủn xỉn.
Ảnh: Pinterest |
Anh ấy lên lớp em rằng về làm dâu thì nên học tính nhẫn nhịn chịu đựng, phải học cách chấp nhận “xuất giá thì phải tòng phu”. Đừng có lúc nào cũng nghĩ cho mình.
Em bực quá mới bảo, "thóc đâu mà đãi gà rừng, nếu anh muốn nuôi cả họ hàng nhà anh thì phải đưa tiền để em chi tiêu. Em đâu phải là cái kho bạc để nuôi hết người này đến người khác.
Chồng em nghe vậy không nói cũng chẳng rằng, mở cặp ra cầm tập tiền ném thẳng vào mặt em. Anh trừng mắt lên nói: “Cô tiếc tiền phải không? Tiền đấy, cô giữ lấy mà dùng cho thoải mái”.
Em thất vọng đến không thốt nên lời. Nếu chồng em biết thương vợ, thương con, thương cho tổ ấm nhỏ này thì đã không hành động như thế. Đằng này, anh chỉ coi trọng họ hàng nhà anh, coi trọng sĩ diện hão huyền mà không mảy may nghĩ đến không gian sống bé nhỏ của gia đình ngày càng trở nên ngột ngạt.
Sau vụ đó, đứa cháu họ thấy vợ chồng em căng thẳng nên đang chủ động xin chuyển ra ở trọ bên ngoài. Chồng em có vẻ không thoải mái với họ hàng ở quê, nhưng em thì nghĩ, các cháu đều trên 18 tuổi rồi, nên học cách tự lập cho cuộc sống của mình, có phải không thưa các anh chị?
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet