Trang trại chăn nuôi vịt kết quy mô 1ha của ông Lê Hồng Cương ở xã Yên Ninh (huyện Yên Định, Thanh Hoá) xả thải bức tử môi trường. |
Nuôi quá quy mô, gây ô nhiễm
Tìm hiểu được biết, ngày 25/12/2019, ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định ký văn bản số 4915/QĐ-UBND giao cho ông Lê Hồng Cương (42 tuổi, trú thôn Trịnh Xá 3, xã Yên Ninh) thuê 10.760,6 m2 đất trong thời hạn 50 năm để làm trang trại tổng hợp. Các hạng mục công trình được phê duyệt tại giấy phép xây dựng số 3129 ngày 9/12/2020 gồm: 1 nhà điều hành, 9 nhà trồng nấm, 1 trạm điện, 1 kho chứa cám…
Sau gần 2 năm triển khai và xây dựng, đến tháng 8/2021, trang trại đi vào hoạt động với quy mô 11.000 con/lứa theo mô hình chuồng khép kín. Thời gian nuôi mỗi lứa là 60 ngày, trung bình 1 năm nuôi 5 lứa. Sau hơn 3 tháng hoạt động, hàng chục người dân ở thôn Trịnh Xá 1, Trịnh Xá 3 đã có đơn phản ánh lên các ngành chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) do việc chăn nuôi vịt của trang trại.
Chị Lê Thị Phượng - người dân thôn Trịnh Xá 3 cho biết: Từ khi trang trại chăn nuôi của ông Cương hoạt động, hàng chục hộ dân xung quanh phải sống khổ vì mùi hôi và ô nhiễm nguồn nước ngầm. “Mỗi tối, trang trại lại xả thải lén lút ra ngoài mương khiến dòng nước đen ngòm chảy vào đồng ruộng. Không chỉ vậy, cả ngày lẫn đêm, mùi hôi thối từ trang trại cứ bốc lên khiến người dân sống xung quanh không thể chịu nổi” - chị Phượng phản ánh.
Bức xúc trước việc trang trại “bức tử” môi trường, chị Phượng đã cùng 13 hộ ở thôn Trịnh Xá 1, Trịnh Xá 3 gửi đơn lên xã, huyện kêu cứu. Tiếp nhận phản ánh của người dân, ngày 22/11, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Định đã kiểm tra, xác minh ý kiến phản ánh. Theo báo cáo của chủ trang trại, quy mô chăn nuôi tại đây là 11.000 con vịt thịt/lứa, 1 năm nuôi 5 lứa là 55.000 con. Tuy nhiên, chủ trang trại chưa cung cấp được hồ sơ chứng minh quy mô trên. Ngược lại, theo dự án điều chỉnh và kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) được UBND huyện Yên Định phê duyệt thì quy mô của trang trại này, 1 năm chỉ được nuôi 2 lứa theo mô hình đệm lót sinh học (mỗi lứa 10.000 con).
Về hiện trạng chăn nuôi, tại thời điểm kiểm tra, không có chuồng trồng nấm như trong thiết kế. Đối với công trình phục vụ cho xử lý chất thải, phần mương đất ruộng giáp với trang trại có tình trạng nước thải ngấm ra bên ngoài, quan sát có màu đen, mùi thối. Nước thải ở trang trại chủ yếu là nước rửa chuồng hàng ngày có lẫn phân và thức ăn rơi vãi đi vào hầm biogas phủ bạt HDPE có thể tích 1.700m3, nước sau bể biogas trước đó vài ngày đang xả trực tiếp ra môi trường, hiện tại trang trại đang đào ao để thu gom, xử lý. Qua kiểm tra, nước thải sau bể biogas có màu đen, mùi thối.
Kiểm tra thực tế, chuồng nuôi rất nặng mùi và chưa có giải pháp xử lý, chưa trồng cây xanh sau quạt hút. Về chất thải rắn, phân thải hàng ngày của vật nuôi được rửa cùng với nước rửa chuồng rồi chảy vào hầm biogas. Với vật nuôi chết, trang trại mang cho cá ăn hoặc tập kết ngay tại khuôn viên, chưa xử lý đảm bảo BVMT. Về quy hoạch, trang trại có 9 nhà trồng nấm diện tích 3.195,6 m2 và 1 chuồng nuôi diện tích 905,2 m2, tuy nhiên, hiện toàn bộ chuồng lại đang phục vụ chăn nuôi vịt với tổng diện tích khoảng 2.000 m2, không thực hiện trồng nấm. Ngoài ra, vị trí xây hầm biogas không đúng với phê duyệt khi hiện tại, vị trí này đang xây ao sinh học.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn liên ngành đã xác định trang trại của ông Cương đang nuôi vượt quá quy mô và chưa thực hiện các giải pháp xử lý môi trường theo đúng hồ sơ được phê duyệt. Việc nước thải, khí thải phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân là đúng thực tế.
Vợ chủ trang trại là Chủ tịch Hội nông dân xã
Ngày 26/11, ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định có văn bản số 3894/UBND-TNMT về chỉ đạo giải quyết đơn đề nghị của công dân đã phản ánh về trang trại của ông Lê Hồng Cương gây ONMT. Trên cơ sở kết quả thực tế của đoàn kiểm tra liên ngành, UBND huyện Yên Định yêu cầu ông Lê Hồng Cương dừng việc xả nước thải chăn nuôi ra môi trường khi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chưa có giấy phép xả thải. Ông Cương phải thực hiện đúng quy mô được phê duyệt, không quá 10.000 con/lứa và 1 năm chỉ nuôi 2 lứa.
Đối với giải pháp BVMT, chủ trang trại phải thu gom, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn của Bộ TNMT. Lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước dưới đất và xả thải vào nguồn nước. Cùng với đó, phải đầu tư xây dựng buồng xử lý mùi bằng việc tạo tấm chắn dọc cuối các chuồng nuôi và lắp đặt hệ thống dàn phun sương có bổ sung chế phẩm vi sinh để dập mùi ngay sau quạt hút; trồng vành đai cây xanh bao quanh khu xử lý nước thải và sau quạt hút để hạn chế mùi phát tán. Thời gian khắc phục, yêu cầu trên phải hoàn thành trước ngày 15/12. Sau khi nuôi hết lứa vịt hiện tại, yêu cầu chủ trang trại tạm dừng nuôi lứa mới để đầu tư hoàn thiện các công trình, biện pháp BVMT đồng thời có văn bản đề nghị UBND huyện cho phép điều chỉnh MBQH để phù hợp với thực tế, thời gian hoàn thành trước 31/12.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 6/12, hiện trạng nguồn nước kênh tưới tiêu ngay phía trước trang trại vẫn có màu đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Phía bờ tường trang trại ngăn cách với đồng ruộng có nước thải màu đen rỉ ra ngoài, có mùi thối.
Trao đổi với ông Đỗ Công Hưng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh được biết: Trong tháng 10 vừa qua, UBND xã đã từng lập biên bản, xử phạt trang trại của ông Lê Hồng Cương vì xả thải ra môi trường. Ông Hưng khẳng định: “Tới đây, xã sẽ liên tục kiểm tra trang trại 2 lần/tuần để giám sát các yêu cầu của huyện đã đặt ra với trang trại của ông Cương”.
Về thông tin vợ ông Lê Hồng Cương là cán bộ xã nên được bao che, ông Hưng cho biết: Đúng là bà Trịnh Thị Vân - Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Ninh là vợ ông Cương nhưng không có chuyện là người nhà làm cán bộ nên được bao che như người dân đã phản ánh?
Tác giả: ĐÌNH MINH
Nguồn tin: daidoanket.vn