Sau khi Canada bắt giữ CFO tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu, phản ứng mà Trung Quốc đưa ra hầu như y hệt cách nước này từng đáp trả mỗi khi bị "vuốt mặt": bác bỏ mọi vi phạm, cố giành lấy vị thế cao hơn về đạo đức và gây áp lực tối đa nhằm đạt được nhượng bộ.
Tuy nhiên, vụ bắt người từng là viên chức ngoại giao Canada Michael Kovrig mới đây phản ánh cách tiếp cận ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh đối với các xung đột quốc tế dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - giai đoạn sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao Trung Quốc mở rộng vượt bậc.
Các nạn nhân của Bắc Kinh
Theo AP, trong quá khứ, Trung Quốc thường xuyên trả đũa các chính phủ và công ty nước ngoài khi có những vụ "chạm trán" ngoại giao, tuy nhiên những xung đột kiểu như vậy hiếm khi trở thành lý do khiến Bắc Kinh bắt giữ công dân ngoại quốc.
Kovrig bị bắt hôm 10/12 tại Bắc Kinh sau khi chính phủ Trung Quốc triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để phản đối việc Ottawa bắt giữ Mạnh Vãn Châu tại Vancouver ngày đầu tiên của tháng 12.
McCallum nhận được cảnh báo Canada có thể đối mặt "hậu quả nghiêm trọng" nếu bà Mạnh, người thừa kế tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, không được trả tự do. Một ngày sau, bà Mạnh được tại ngoại trong khi tòa án Canada vẫn xem xét khả năng dẫn độ bà về Mỹ, nơi bà đối mặt án tù 30 năm vì vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt hôm 1/12 tại Canada. Ảnh: Xinhua. |
Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa xác nhận đã bắt giữ cựu cán bộ ngoại giao Canada. Trong cuộc họp báo hôm 12/12, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng liên tục né tránh câu hỏi của phóng viên quốc tế, cho biết "không có gì để nói" về vụ bắt giữ này.
Tuy nhiên, ông Lục cho biết tổ chức International Crisis Group mà Kovrig làm việc không được đăng ký tại Trung Quốc, vì vậy hoạt động của tổ chức này là bất hợp pháp.
Vụ việc của Kovrig không thường xuyên xảy ra, nhưng những vụ trả đũa thương mại nhắm vào công ty của các quốc gia có mâu thuẫn với Bắc Kinh về chính trị hay quân sự thời gian qua liên tục gia tăng. Với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và thị trường tiêu thụ 1,4 tỷ dân, Trung Quốc dùng áp lực thương mại khiến các đối thủ khốn đốn.
Nạn nhân nổi tiếng nhất từ chính sách cứng rắn của Trung Quốc là tập đoàn bán lẻ Lotte của Hàn Quốc. Công việc kinh doanh của Lotte liêu xiêu sau khi tập đoàn này bán mảnh đất cho chính phủ Hàn Quốc, với mục đích làm địa điểm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, động thái bị Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Trung Quốc coi THAAD là công cụ cho phép Mỹ nhìn thấu lãnh thổ nước mình, tạo mối đe dọa lớn tới an ninh quốc gia. Để trừng phạt Lotte vì "tiếp tay" cho Washington và Seoul, chính quyền Bắc Kinh đóng cửa tổng cộng 99 siêu thị và các địa điểm phân phối hàng hóa của Lotte với cáo buộc vi phạm quy định về an toàn, đồng thời dừng triển khai một dự án công viên giải trí.
Lotte không phải là nạn nhân duy nhất trong những đối đầu kiểu như vậy. Khi Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, Trung Quốc đã kịch liệt lên án. Người Trung Quốc sau đó đồng loạt tẩy chay cá hồi từ quốc gia Bắc Âu.
Trong tranh chấp trên biển với các láng giềng ở châu Á, người tiêu dùng Trung Quốc khi tấn công ôtô và các cửa hàng phân phối ôtô của Nhật Bản sau khi Tokyo quốc hữu các đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Những chiến dịch tẩy chay, tấn công doanh nghiệp và hàng hóa nước ngoài được thực hiện bởi dân thường, tuy nhiên sự hậu thuẫn từ truyền thông và chính quyền Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.
99 địa điểm kinh doanh của Lotte bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa. Ảnh: KBS. |
Trung Quốc sẽ không lùi bước
Vụ bắt giữ Kovrig không được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc. Báo đài cũng không được liên hệ trực tiếp vụ này tới trường hợp của Mạnh Vãn Châu. Đối với nhiều người Hoa đang gào thét cả trên mạng cũng như dưới đường phố, những người ủng hộ kiên định của người thừa kế Huawei và coi thành công của tập đoàn trên phạm vi quốc tế là niềm tự hào dân tộc to lớn, hai vụ việc chẳng liên quan gì tới nhau.
"Nếu những người khác coi hai vụ việc là có liên quan, đó là vì vụ bắt giữ Mạnh Văn Châu thực sự đã vượt quá giới hạn, và họ hẳn đã nghĩ Trung Quốc phải phục thù", Hu Xijin, biên tập viên Thời báo Hoàn cầu, viết trên mạng xã hội Weibo.
Trong khi đó, một sinh viên Trung Quốc nói với AP vụ bắt giữ Kovrig là "lời tuyên bố gửi tới chính phủ Canada", rằng Trung Quốc không thể ngồi yên phó mặc cho số phận hay để người khác "đưa ra những cáo buộc mơ hồ" chống lại công dân nước này.
Từ Hong Kong, chuyên gia Joseph Cheng cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình phải cho thấy Trung Quốc đang đáp trả sự sỉ nhục của phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ nước này đang chật vật đối phó với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao và thiệt hại từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Nhà ngoại giao Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt hôm 10/12. Ảnh: BBC. |
Tháng trước, một cuộc họp toàn thể của đảng Cộng sản Trung Quốc đã không được triệu tập như thông lệ hàng năm. Chuyên gia Cheng cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo cấp cao đang phải tập trung cho một chiến lược có hiệu quả trong tương lai ngắn hạn trước mắt.
"Đối với người dân trong nước, ông Tập phải luôn tỏ ra vững vàng", ông Cheng nói.
Nhà bình luận quan hệ quốc tế Zhang Lifan cho rằng áp lực từ dư luận buộc Bắc Kinh phải đáp trả cứng rắn. "Trung Quốc nâng vấn đề pháp lý thành một xung đột về quan hệ ngoại giao, thậm chí đối đầu quân sự, đây không phải là bước đi sáng suốt".
Tiền lệ những vụ việc tương tự cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ lùi bước và thả Kovrig khi nước này đã đạt được mục đích.
Năm 2015, một cặp đôi Canada bị bắt tại vùng Đông Bắc Trung Quốc với cáo buộc làm gián điệp sau khi nhà chức trách Canada bắt một người tên Su Bin với tội danh ăn cắp bí mật hàng không của Mỹ cho Bắc Kinh.
Cặp đôi Canada, Julia và Kevin Garrett, đều là những người sống lâu năm tại Trung Quốc, được trao trả tự do vài tháng sau khi người bị nghi là làm gián điệp cho Trung Quốc được dẫn độ về Mỹ và đạt được một thỏa thuận với tòa án.
Trước đó 5 năm, Trung Quốc từng bắt giữ 4 nhân viên công ty xây dựng Fujita của Nhật Bản sau khi Tokyo bắt giam thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc đã va chạm với tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku. Bốn công dân này chỉ được trả tự do sau khi Nhật Bản thả thuyền trưởng người Trung Quốc.
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: zing.vn