Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland lần đầu tiên kể từ khi Ottawa tiến hành bắt giữ "công chúa" Huawei ở Vancouver (Canada) đầu tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Washington.
Nhà chức trách Mỹ cáo buộc bà Mạnh, nữ giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc dính líu đến nhiều hành phạm tội, bao gồm cả lừa đảo, rửa tiền, ăn cắp quyền trí tuệ và vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Washington cũng tìm cách dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để truy tố.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Canadian Press |
Theo báo South China Morning Post, ông Vương Nghị thông báo với Ngoại trưởng Freeland rằng, vụ bắt giữ bà Mạnh "đã khiến người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ và dẫn tới những khó khăn nghiêm trọng trong quan hệ Trung Quốc - Canada".
"Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân cũng như các công ty Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết một cách nhanh chóng và đúng đắn để quan hệ Trung Quốc - Canada có thể trở lại đúng hướng tốt đẹp càng sớm càng tốt", trích tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc.
Đáp lại, bà Freeland cũng đề cập tới trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị bắt giam tại Trung Quốc vài ngày sau vụ bắt giữ "công chúa" Huawei ở Vancouver.
Kovrig và Spavor bị buộc tội gián điệp. Chính phủ Canada đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và gọi vụ bắt giữ họ là động thái "tùy tiện" nhằm trả đũa Ottawa.
Báo South China Morning Post thống kê, kể từ sau vụ bắt giữ bà Mạnh, Trung Quốc đã kết án tử hình hai người Canada vì tội buôn lậu ma túy và bắt giữ một công dân Canada khác không liên quan đến Kovrig và Spavor.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho Kovrig và Spavor. Ông cũng trực tiếp thảo luận về trường hợp này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc tiếp xúc bên lề giữa họ tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật hồi tháng 6 vừa qua.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet