Trong tỉnh

TP. Thanh Hóa đề xuất đặt tên đường Hồ Quý Ly

TP. Thanh Hóa lấy ý kiến nhân dân để đặt tên đường phố Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và nhiều nhân vật lịch sử sau sáp nhập.

UBND thành phố Thanh Hóa vừa có công văn kèm dự thảo đề án xin ý kiến cơ quan, tổ chức, nhân dân về đề án đặt tên, đổi tên đường, phố trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Sau khi nhập, thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22 km2 và quy mô dân số là 615.106 người



Theo đề án, sẽ có 311 đường, phố (gồm 1 đại lộ, 141 đường và 169 phố) được đặt tên từ tên địa danh, danh từ có ý nghĩa tiêu biểu, tên danh nhân có trong ngân hàng tên của tỉnh.

Đại lộ duy nhất dự kiến được đặt tên trong đợt này mang tên vua Lê Thái Tông có chiều dài 3.161m, rộng 80m nối từ đại lộ Lê Lợi đến hết địa phận TP Thanh Hóa.

Sau khi được đặt tên đường tại các huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung, Hồ Quý Ly tiếp tục là nhân vật lịch sử dự kiến được thành phố Thanh Hóa lựa chọn đặt tên đường tại xã Đông Vinh. Đoạn đường chiều dài 4.100m, chiều rộng 10,5m nối từ đường Trịnh Huy Quang đến cuối khu dân cư thôn Văn Vật. Con trai Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương dự kiến cũng được lựa chọn đặt tên cho tuyến đường dài 1.611m, rộng 10,5m nằm trên phân khu số 12. Trước đó, một người con trai khác của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng cũng đã được thành phố Thanh Hóa đặt tên đường tại phường Ngọc Trạo.

Bên cạnh các nhân vật lịch sử thời phong kiến, một số nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo Đảng cũng được đề xuất đặt tên đường. Trên trục Quốc lộ 47 có 2 đoạn đường dự kiến mang tên hai Tổng Bí thư của Đảng là Lê Duẩn và Lê Khả Phiêu. Đường Lê Duẩn có chiều dài 3.000m; đường Lê Khả Phiêu dài 3.587m.

Dự kiến TP Thanh Hóa sẽ có đại lộ Lê Thái Tông kéo dài từ đại lộ Lê Lợi đến hết địa phận thành phố

Hai vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ đổi mới, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương là Lê Văn Tu và Mai Xuân Minh dự kiến đặt tên đường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tiếp giáp với đường bộ cao tốc Mai Sơn – QL 45. Danh sách đề xuất đặt tên đường, phố còn có một số văn nghệ sỹ, nhà khoa học, anh hùng thời kỳ hiện đại như nhạc sỹ Văn Ký, bác sỹ Tôn Thất Bách, Anh hùng LLVTND Hoàng Đạo - trưởng ty công an Thanh Hóa đầu tiên…

Sau sáp nhập huyện Đông Sơn, qua rà soát, trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có 6 đường, phố trùng tên nên đề xuất đổi tên khác để tránh trùng lặp, đảm bảo thuận lợi cho giao dịch, tìm kiếm địa chỉ của tổ chức, nhân dân và quản lý đô thị.

Kể từ năm 1994 đến nay, thành phố đã có 2 lần đặt tên đường, phố (lần 1 vào năm 1994; lần 2 vào năm 2019) với 531 đường, phố, ngõ, ngách (Bao gồm: 4 đại lộ; 183 đường; 286 phố và 58 ngõ). Huyện Đông Sơn trước đây (nay là thành phố Thanh Hóa) đã 1 lần thực hiện việc đặt tên đường, phố. Hiện tại thành phố Thanh Hóa mới đặt tên cho đại lộ, quốc lộ, tỉnh lộ và đường, phố tại các phường nội thành, phường Rừng Thông. Còn đường, phố tại các phường, xã ngoại thành, nhất là đường, phố trong khu dân cư, các tuyến đường tại các xã và các phường mới được thành lập năm 2020 và 2024 thì vẫn chưa được đặt tên. Còn lại, có khoảng 200 đường, phố là các đường nội bộ trong các phố, thôn, quy mô còn khiêm tốn (chiều rộng chỉ từ 3,0 – 4,0m), vì vậy chưa đủ điều kiện để đặt tên đường, phố.

Bản đồ nội thị và ngoại thị TP. Thanh Hóa



Về nguyên tắc chọn đặt tên đường phố, ngoài các tiêu chí chung theo các quy định của pháp luật, thành phố Thanh Hóa sẽ lựa chọn chọn tên các danh nhân, nhân vật lịch sử cùng thời kỳ hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường có liên quan. Ưu tiên lựa chọn các danh nhân có quê quán, có nhiều đóng góp với thành phố Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung để đặt tên đường, phố nhằm mục đích giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào của nhân dân địa phương.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP ok