Xã hội

TP Hồ Chí Minh bước vào mùa cao điểm sốt xuất huyết và tay chân miệng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, với số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng từ đầu tháng 7 đến nay, ngành y tế dự báo cao điểm các dịch bệnh này đã quay trở lại.

Trong suốt 6 tháng đầu năm 2020, số trường hợp bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hàng tuần luôn thấp hơn khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, số người mắc và nhập viện hai bệnh này đều gia tăng.

Số ca bệnh liên tục tăng

Qua phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho thấy, nếu như trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có trường hợp bệnh sốt xuất huyết là 114; thì sang tuần đầu của tháng 7 đã lên đến 144, tăng thêm 30 phường, xã. Số ca bệnh cũng tăng 59 trường hợp so với tuần trước.

Dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng bắt đầu quay trở lại.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, sự gia tăng số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết trong tuần đầu tháng 7 hoàn toàn tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới và dự kiến đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10 và tháng 11.

“Với số ca bệnh rất thấp trong 6 tháng vừa qua, nếu toàn cộng đồng duy trì quyết tâm phòng chống sốt xuất huyết và có những hành động thiết thực thì sẽ kìm hãm được sự gia tăng ca bệnh và hạn chế phạm vi xuất hiện bệnh tại thành phố”, bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết thêm.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như trong tuần cuối tháng 6 có 72 phường xã có ca mắc tay chân miệng; thì sang tuần đầu của tháng 7, con số này là 97, tăng 25 phường xã. Số ca mắc tay chân miệng cũng tăng 50 ca so với tuần trước.

Bác sĩ Lê Hồng Nga nhận định, theo diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9. Tuy nhiên, năm 2020, do đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, các biện pháp hạn chế, thậm chí ngăn chặn quyết liệt được đẩy mạnh, thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như COVID-19, tay chân miệng, sởi, cúm… đã góp phần làm giảm bệnh tay chân miệng trong tháng 3 năm nay.

Bác sĩ Lê Hồng Nga dự báo, trong những tuần tới, bệnh tay chân miệng sẽ gia tăng trở lại. Tuy nhiên nếu cộng đồng vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, đặc biệt là “rửa tay thường xuyên bằng xà phòng” thì vẫn có thể kiểm soát được bệnh, không để lây lan thành dịch.

Kiểm soát nguy cơ từ các dịch bệnh

Một trong những biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiện nay là thường xuyên vệ sinh và rửa tay cho trẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh), bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và trẻ càng nhỏ càng dễ nặng. Đa số trẻ sẽ tự khỏi trong 7-10 ngày. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng; sốt 1 - 2 ngày sau hết sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng; giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nẫy người; không đi vững, tay chân yếu, người run… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám bệnh.

Để phòng bệnh tay chân miệng, cần rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp, trước khi về nhà, khi về tới nhà. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn nhất là mới đi ra ngoài về. Phụ huynh cần báo giáo viên khi bé bị tay chân miệng để phòng cho mấy bé khác; nghỉ học ít nhất 10 ngày; ra phường xin thuốc sát trùng sàn nhà, đồ chơi; vệ sinh nơi bé sinh hoạt, đồ chơi...

Đối với bệnh sốt xuất huyết, do chưa có vắc xin phòng bệnh và không lây từ người sang người, bệnh chủ yếu lây qua đường muỗi đốt nên biện pháp phòng chống bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi. Theo đó, người dân cần tự giác xử lý các vật chứa nước như trang bị nắp đậy không để muỗi vào đẻ trứng và thường xuyên cọ rửa thành lu, hồ, phuy chứa nước tránh để trứng muỗi bám vào thành; không để muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng kem chống muỗi…

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi có những triệu chứng sốt, đau cơ, nôn ói, đau bụng, da niêm xung huyết thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị bệnh. Khi phát hiện bị sốt xuất huyết, người bệnh không nên mua thuốc tại nhà vì bệnh sốt xuất huyết thường nặng khi trẻ bắt đầu hết sốt.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, nguy cơ rõ nét từ các dịch bệnh đang lưu hành trên cùng với nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu từ nơi khác đến thành phố và bao trùm hơn cả là nguy cơ xâm nhập COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều giải pháp phù hợp trong toàn cảnh dịch bệnh hiện nay và khả thi đối với hệ thống phòng chống dịch.

Theo đó, đối với bệnh sốt xuất huyết, thành phố vẫn kiên định với giải pháp kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch vì đây là giải pháp phù hợp nhất cho một thành phố đông dân, đa dạng về thành phần kinh tế - xã hội, nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh. Để có thể lượng giá được hiệu quả của giải pháp này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các Trung tâm y tế và Trạm y tế phân loại, quản lý các loại hình điểm nguy cơ; đồng thời nâng cấp, bổ sung các tính năng kết nối, hiển thị, kết xuất các loại báo cáo thống kê, theo dõi việc thực hiện của tuyến dưới. Chỉ cần nhập đầy đủ dữ liệu của ca bệnh, điểm nguy cơ, ổ dịch lên phần mềm GIS thì tất cả các kế hoạch, biên bản xử lý ổ dịch, báo cáo thống kê được kết xuất từ phần mềm theo yêu cầu người sử dụng.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học luôn được Trung tâm quan tâm, như thực hiện giám sát hoạt động này ở tất cả các cấp học tại 24 quận, huyện; hướng dẫn các trường học khắc phục các hạn chế trong phòng chống bệnh truyền nhiễm trong môi trường học đường...

Tác giả: Đan Phương

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok