Xã hội

Cứu sống nam thanh niên bị sốt xuất huyết, ói ra máu nguy kịch

Các bác sĩ bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đã kịp thời cứu chữa cho nam thanh niên mắc bệnh sốt xuất huyết dẫn đến ói ra máu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Sáng 5/12, ThS. BS Cao Tấn Phước, Phó Giám đốc bệnh viện Trưng Vương cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bệnh hi hữu.

Theo đó, bệnh nhân Trương Hoài Phong (20 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa trên, tụt huyết áp, mạch lên 140 lần, choáng váng.

Khi vào viện, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện tình trạng ói ra máu. Các bác sĩ của bệnh viện tiến hành cấp cứu, cho nội soi thì phát hiện có ổ loét dạ dày tá tràng.

Bệnh nhân đang được chăm sóc tại bệnh viện cấp cứu Trưng Vương.

Qua kiểm tra, bệnh nhân bị sốt xuất huyết có biến chứng cận lâm sàng ngày thứ tư nặng. Vấn đề khó khăn nhất với bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết dẫn đến xuất huyết tiêu hóa là việc làm sao cầm máu cho bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với các khoa để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Phước cho biết, đây là ca sốt xuất huyết dạ dày đặc biệt. Nếu áp dụng các phương pháp điều trị thông thường thì ca này thất bại hoàn toàn. Bệnh nhân mất nhiều máu, phải truyền đến 8 đơn vị máu, tương đương 2 lít máu.

Nếu không có phương pháp điều trị mới tại bệnh viện thì có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành can thiệp mạch, cấp cứu cho bệnh nhân với sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện.

Bác sĩ chia sẻ về ca bệnh tại bệnh viện Trưng Vương.

Bác sĩ Trương Minh Tuấn, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch, bệnh viện Trưng Vương cho hay, bệnh viện đã điều trị cho hàng chục ca sốt xuất huyết dạ dày nguy hiểm, nhưng ca này là khó khăn nhất, tiên lượng xấu.

Khi lên bàn mổ, bệnh nhân Phong có hiện tượng bứt rứt, huyết áp không ổn định, vừa xuất huyết ở miệng và hậu môn. Các bác sĩ vừa hồi sức cấp cứu, vừa can thiệp mạch. Điều dưỡng dùng xilanh 200ml bơm máu thẳng vào người bệnh nhân. Đồng thời, dùng ống thông luồn từ động mạch đùi đến vị trí phun máu.

Các bác sĩ điều khiển đưa ống thông tìm đến vị trí phun máu ở tá tràng. Đó là mạch máu vị tá tràng. Sau đó, bơm vào vị trí mạch máu bị vỡ một chất kết dính, gọi là keo sinh học giúp vết thương lành lại.

Sau khi hồi sức, sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt, mạch trở lại bình thường, trở về tiêu chuẩn ra khỏi sốc, vượt qua nguy hiểm. Bệnh nhân được chuyển về khoa Lâm sàng tiếp tục điều trị. Tổng thời gian các bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân khoảng 20 phút, với hơn 10 bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện.

Hiện, bệnh nhân đang trải qua sốt xuất huyết ngày thứ 8, đã đi lại, ăn uống bằng miệng, tiên lượng tương đối tốt, có thể xuất viện vào cuối tuần này.

Chia sẻ với PV, ông Trương Thành Sơn, ba của bệnh nhân cho biết: "Trước khi nhập viện với triệu chứng xuất huyết dạ dày, con tôi có dấu hiệu cảm cúm, lên trạm Y tế mua thuốc về uống, nhưng không thuyên giảm. Khi có hiện tượng ói ra máu, gia đình khẩn trương chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Đến nay, nhờ cấp cứu kịp thời, nên con tôi đã vượt qua nguy kịch”.

Tác giả: Lành Nguyễn

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok