Theo Quyết định 1819/QĐ- UBND, UBND TPHCM quyết định đặt tên mới cho 6 tuyến đường trên địa bàn quận Bình Thạnh, cụ thể đặt tên Đặng Thùy Trâm cho đường trục 30m (phường 13), từ đường song hành tuyến đường sắt Bắc Nam đến đường ven sông Vàm Thuật. Đặt tên đường Trần Quang Long cho hẻm 72 Ngô Tất Tố (phường 19), từ đường Ngô Tất Tố đến đường Phạm Viết Chánh;
TP HCM đặt tên đường Đặng Thùy Trâm cho đường trục 30m từ đường song hành tuyến đường sắt Bắc Nam đến đường ven sông Vàm Thuật. Ảnh: Chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nguồn: phunuvietnam.vn) |
Đặt tên đường Nguyễn Văn Thương cho đường D1 (phường 25), từ đường Điện Biên Phủ đến đường Ung Văn Khiêm; đường Nguyễn Gia Trí cho đường D2 (phường 25), từ đường Điện Biên Phủ đến đường Ung Văn Khiêm; đường Võ Oanh cho đường D3 (phường 25), từ đường D1 đến số nhà 149 đường D3 và đường Tân Cảng cho đường Cầu Ván (hẻm 649 Điện Biên Phủ, phường 25), từ đường Điện Biên Phủ đến đường Ung Văn Khiêm.
Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức Hà Nội. Năm 1961 Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt và được nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm để đi chiến trường. Năm 1966, Đặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27/9/1968. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi. Năm 2006 liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Tác giả: Nguyễn Hảo
Nguồn tin: Pháp Luật Plus