Thế giới

Tổng thống Philippines nói không phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Duterte tái khẳng định không kích động chiến tranh với Trung Quốc sau khi có tin máy bay ném bom tầm xa nước này hạ cánh ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham dự một sự kiện của lực lượng vũ trang tại thành phố Quezon tháng 10/2017. Ảnh: Reuters.

"Bạn biết đấy, họ có những máy bay không đậu ở Trường Sa nhưng gần các tỉnh nhìn về Trường Sa và Biển Đông. Với khả năng siêu thanh, các máy bay có thể đến Manila chỉ trong vòng 7-10 phút", Tổng thống Philippines Rodigo Duterte phát biểu ở tỉnh Cebu, cách thủ đô Manila gần 600 km về phía nam hôm 19/5, theo Bloomberg.

Đối mặt với những chỉ trích về sự bất lực rõ ràng đối với việc Trung Quốc gia tăng các hành động quân sự ở Biển Đông, Duterte đặt câu hỏi Philippines sẽ kết thúc ở đâu nếu chiến tranh bùng nổ trong khu vực.

"Chúng ta sẽ phải tự trang bị thế nào nếu có một cuộc chiến? Chúng ta chiến đấu bằng cách vả vào nhau sao? Tôi thậm chí không thể mua cho mình một khẩu súng trường mà chỉ được trao. Vậy chúng ta làm thế nào để chiến đấu với người Trung Quốc?", Duterte nói thêm.

Tổng thống Philippines khẳng định không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ vẫn đứng về phía các nước Đông Nam Á nếu chiến tranh nổ ra. Theo ông, một giải pháp khả thi hơn là thúc đẩy hiệp ước thăm dò chung với Trung Quốc để khai thác tiềm năng ở những vùng biển tranh chấp.

Hôm 18/5, website của quân đội Trung Quốc đăng hình ảnh một oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh và cất cánh tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cuộc diễn tập bao gồm phá hủy mục tiêu giả định, hạ cánh và cất cánh trên một hòn đảo ở Biển Đông.

CNBC News hôm 2/5 dẫn các nguồn tin am hiểu trực tiếp báo cáo tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc trong 30 ngày trước đó đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson ngày 19/5 đã kêu gọi chính phủ cần phải hành động đối với việc Trung Quốc quân sự hóa những vùng biển tranh chấp. Ông nói Philippines có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước đồng minh để gây áp lực, buộc Bắc Kinh phải dừng các hành động quân sự. Ông cũng khẳng định lại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện "đường lưỡi bò" với phần thắng thuộc về Philippines hồi tháng 7/2016.

Từ khi đắc cử tổng thống Philippines tháng 5/2016, Duterte thi hành chính sách thân thiện với Bắc Kinh, phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài. Chính quyền Duterte muốn hợp tác với Trung Quốc thay vì tận dụng phán quyết để gây sức ép.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan gọi bài diễn tập cất hạ cánh là "hành động quân sự hóa tiếp diễn của Trung Quốc tại thực thể có tranh chấp" ở Biển Đông, "gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực".

Đường băng mang ký hiệu 23 Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm. Ảnh: Google Earth.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

"Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam", bà Hằng nhấn mạnh.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok