Cùng tham dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước; các thầy giáo, cô giáo cùng 55 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm học 2017-2018.
Trong đó, có các học sinh đoạt giải Olympic Quốc tế và Châu Á năm 2018, đoạt giải Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2018; Các học sinh tiêu biểu, vượt khó trong học tập, rèn luyện được khen thưởng đột xuất năm học 2017 – 2018; Các sinh viên xuất sắc hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2017- 2018.
Giáo dục, bồi dưỡng nhân tài đạt nhiều kết quả
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về những nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được của ngành giáo dục – đào tạo thời gian qua. Bên cạnh giáo dục đại trà, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, từ 2014 đến nay, trong 191 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã có 187 học sinh đoạt giải với 60 Huy chương Vàng, 78 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 9 Bằng khen; tăng 37 giải so với giai đoạn 5 năm trước đó; riêng số Huy chương Vàng tăng gấp 3 lần.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh Bác Hồ cho các cháu học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc. |
Năm 2018, tất cả học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng. Tiêu biểu là đội tuyển dự thi Olympic Sinh học quốc tế đạt thành tích vượt trội, cao nhất từ trước đến nay, với 4 học sinh dự thi đã đoạt 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc; Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt tổng điểm cao nhất trên tổng số 261 thí sinh tham dự và được tôn vinh là Người chiến thắng cuộc thi.
Cũng trong năm 2018, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19 với 185 thí sinh của 25 nước và vùng lãnh thổ tham gia, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam. Qua các kỳ thi quốc tế, các em học sinh đã góp phần làm vẻ vang cho đất nước, đưa vị thế của Việt Nam sánh vai cùng bè bạn năm châu.
Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học được duy trì và đẩy mạnh ở các cơ sở giáo dục đại học. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học chiếm bình quân là 15%; Tỷ lệ này ở một số trường đại học lớn là gần 25%. Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” qua 25 năm triển khai đã thực sự trở thành một sân chơi khoa học lớn, tạo cơ hội cho sinh viên đam mê khoa học được khởi nghiệp, làm tiền đề quan trọng để biến ước mơ trở thành hiện thực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. |
Cần chú ý hơn về giáo dục đạo đức
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, sự nghiệp giáo dục của chúng ta tất nhiên còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay. Trong tổng số 94 triệu dân có 24 triệu người đi học. Có nghĩa là cứ 4 người dân lại có một người đi học, không phải chỉ là học sinh, sinh viên mà có người lớn cũng đi học rất nhiều. Hôm qua trên đài có nói có cụ nào hơn 80, 90 tuổi vẫn còn đi học lớp 3, lớp 4. Chưa nói là trình độ học bây giờ khác xa ngày xưa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước bế học sinh khuyết tật. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ xúc động trước tinh thần nỗ lực cố gắng rất cao trong học tập rèn luyện, tinh thần ham học, vượt khó học giỏi, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của các cháu học sinh, sinh viên. Nhiều cháu mặc dù nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhặt được của rơi đem trả lại người mất; Có cháu kiên trì vượt khó cõng bạn đi học, kết thành đôi bạn cùng tiến…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn, ngành GD&ĐT hết sức quan tâm giáo dục toàn diện cho các cháu, cả đức, trí, thể mỹ. Trong đó, đức là gốc, là trước hết, tài là cực kỳ quan trọng, không có tài làm sao xây dựng, phát triển được đất nước. Ngày xưa, cha ông ta đã từng nói, "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", cho nên phải hết sức chú ý, tiên học lễ hậu học văn, đào tạo hiền tài cho đất nước.
“Tôi đề nghị Bộ Giáo dục chú ý thêm về giáo dục đạo đức. Đạo đức bao gồm nhiều mặt, ăn ở đối xử hàng ngày với anh em, bạn bè, nói rộng ra là với dân với nước, trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu chụp ảnh chung với các em học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc. |
Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ, ngày hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành buổi gặp mặt chính thức đầu tiên với đại diện các thầy cô giáo, các học sinh giỏi xuất sắc, các tấm gương nổi bật trong thi đua “Người tốt, việc tốt”, trong “Dạy tốt, học tốt”, thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước với sự nghiệp giáo dục và đào tạo – “quốc sách hàng đầu”.
Đây là vinh dự hết sức to lớn, là sự động viên vô cùng quý báu, không chỉ với các tấm gương điển hình có mặt hôm nay mà với toàn thể đội ngũ hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo, cán bộ ngành Giáo dục, 24 triệu HSSV trong cả nước, hàng triệu cán bộ khuyến học, khuyến tài và cả hàng chục triệu người đang không ngừng nỗ lực học tập ngoài nhà trường, học ở sách vở, học ở nhân dân và tham gia đầu tư, tham gia góp ý cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là sự ghi nhận khích lệ những cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng là sự nhắc nhở đối với Ngành, cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện thành công Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Những phát biểu chỉ đạo, căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn thể hiện mối quan tâm sâu sắc đối với trách nhiệm đồng hành cùng ngành giáo dục đào tạo của các ngành, các cấp, của nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh, sự nêu gương của người lớn đối với trẻ em như lời Bác Hồ đã căn dặn tại bài viết trên báo Nhân dân ngày 24/10/1955: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc…”.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng gửi lời chúc tới toàn thể các thầy giáo cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn dạy thật tốt, học thật tốt; chúc đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, phát huy truyền thống, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, sửa chữa khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ rất vinh quang và cũng nhiều gian khó; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới để nước ta sớm bước lên đài vinh quang sánh cùng năm châu bè bạn như mong ước của Bác Hồ.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí