Giáo dục

Học sinh, sinh viên chất vấn Bộ Giáo dục nhiều vấn đề nóng

Tình trạng chảy máu chất xám trong du học sinh, bất cập trong chế độ cộng điểm ưu tiên, điểm chuẩn trường Sư phạm thấp... là vấn đề được đưa ra.

Chiều 10/12, diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển đã diễn ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng nhiều cán bộ Vụ, Cục của Bộ Giáo dục… góp mặt tại chương trình để đối thoại cùng 125 đại biểu thanh niên là học sinh, sinh viên, giáo viên.

Là học sinh lớp 12, Nguyễn Tú Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) lo lắng trước nhiều chính sách tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Em nhắc lại bất cập của kỳ tuyển sinh vừa qua khi nhiều học sinh được 30 điểm thi THPT quốc gia nhưng không đỗ vào trường/ngành yêu thích do nhiều thí sinh nhờ cộng điểm ưu tiên lại đạt mức cao hơn.

“Chính sách cộng điểm là nhân văn nhưng nhiều quá thì không hay và có thể đánh mất nhân tài đất nước. Em nghĩ vẫn nên duy trì điểm cộng nhưng không nên vượt quá số điểm 30. Dù vậy, nếu thay đổi chính sách này thì giữa học sinh được 30 điểm thực và bạn được 30 điểm do cộng ưu tiên, Bộ Giáo dục sẽ chọn ai là thủ khoa”, nữ sinh trăn trở.

Nguyễn Tú Anh (lớp 12 THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) chất vấn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế tuyển sinh đại học. Ảnh: Quỳnh Trang.

Câu chuyện điểm vào ngành Sư phạm thấp cũng được học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhắc tới. Em cho rằng, chính sách cắt giảm chỉ tiêu ngành này chỉ là biện pháp ngắn hạn giúp giảm bớt một số thí sinh có điểm đầu vào quá thấp, nhưng chưa thu hút được nhân tài vào, nhất là khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều.

Em này tỏ ra lo lắng khi Bộ Giáo dục dự tính để bằng đại học chính quy và tại chức tương đương nhau về giá trị. “Chính sách này áp dụng ở các nước tiên tiến nhưng nếu đưa vào bối cảnh Việt Nam thì còn nhiều lo ngại. Đào tạo hệ tại chức mang tính thương mại nhiều hơn mục tiêu giáo dục. Nếu đánh đồng hai văn bằng này, liệu có bất công cho những người học thực chất mất nhiều thời gian, công sức của hệ chính quy”, nữ sinh đặt câu hỏi.

Trả lời thắc mắc, Thứ trưởng Nghĩa cho biết, Bộ đang quy hoạch mạng lưới và có kế hoạch nâng cao chất lượng trường sư phạm. Để thu hút người tài vào học ngành này, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã đặt vấn đề nâng lương nhà giáo. Dự thảo đề xuất lương giáo viên sẽ đứng cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Xung quanh vấn về chảy máu chất xám trong du học sinh, đại diện cho thanh niên Việt Nam học tập tại Liên bang Nga Nguyễn Như Bảo đặt nhiều câu hỏi về bố trí việc làm sau tốt nghiệp cho du học sinh. Nghiên cứu sinh Đại học Giao thông đường bộ Matxcova kể chuyện, có nhiều du học sinh chia sẻ nỗi buồn vì học xong về nước lại phải làm trái ngành do không xin được công việc đúng chuyên môn. Những năm trước, chỉ tiêu du học tại mỗi năm khoảng 650 sinh viên nhưng hiện nay lên tới 1.000.

“Với số lượng đông như thế, trừ các bạn đến từ trường công an, quân đội, những người còn lại không biết sau tốt nghiệp có thể về công tác tại đâu. Những sinh viên đi học theo học bổng, ngân sách của Nhà nước những năm qua đã được sử dụng như thế nào”, Như Bảo đặt câu hỏi.

Nghiên cứu sinh này chia sẻ nỗi lo lắng của nhiều du học sinh được cử sang Nga theo học về hạt nhân phục vụ kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhưng kế hoạch này đã bị bác bỏ.

Nghiên cứu sinh Đại học Giao thông đường bộ Matxcova Nguyễn Như Bảo đặt câu hỏi về cơ chế việc làm sau tốt nghiệp cho du học sinh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa giải đáp, Bộ Giáo dục vẫn có chính sách giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp cho du học sinh không thuộc diện được cơ quan cử đi. Sau một năm nếu chưa được nơi nào nhận, các em đó phải chủ động kiếm việc. “Bây giờ chúng ta không còn khái niệm đi học rồi chờ xin việc mà là tự tạo việc làm cho mình và cho người khác”, Thứ trưởng nói.

Đối với nhóm du học sinh học ngành hạt nhân theo kế hoạch xây dựng nhà máy điện Ninh Thuận, nhà nước sẽ phân công công việc sau tốt nghiệp nếu muốn về Việt Nam làm. Để việc cử sinh viên đi học nước ngoài hiệu quả, Bộ Giáo dục đã giao các địa phương quyết định chỉ tiêu cho phù hợp với nhu cầu của tỉnh.

Nhiều đề xuất được gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục liên quan đến tạo cơ chế đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) Lê Thị Ninh cho biết, hiện cuộc thi Khoa học kỹ thuật Intel Isef đã được nhiều Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục tổ chức. Học sinh Việt Nam cũng tham gia cuộc thi này tại đấu trường quốc tế và đạt thành tích cao. Tuy nhiên, số lượng lớn các em tham gia cuộc thi này đến từ trường THPT chuyên. Rất ít học sinh trường thường tham gia nghiên cứu khoa học.

Một trong những lý do khiến hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn được đẩy mạnh trong trường học, theo cô Ninh là cơ chế hỗ trợ kinh phí thấp. Việc các trường THPT không có giáo viên chuyên trách hoạt động này… cũng là một điểm trừ.

Từ thực tế trên, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn kiến nghị Bộ Giáo dục tăng cơ chế hỗ trợ; tạo nhiều sân chơi để khuyến khích học sinh các cấp, trường không chuyên tham gia làm khoa học. “Tôi mong muốn Bộ Giáo dục tổ chức thường xuyên hơn các cuộc bồi dưỡng giáo viên làm phụ trách công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Đồng thời Bộ tạo sự liên kết giữa trường phổ thông với các đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học để khi có vấn đề, chúng tôi biết chỗ bấu víu hỏi về chuyên môn”, cô Ninh nói.

Giảng viên Phùng Thị Phương Thảo, Bí thư Đoàn Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác cũng đề xuất tăng kinh phí và hỗ trợ học sinh, sinh viên bán sản phẩm có tính ứng dụng thực tế ra thị trường.

Vụ trưởng Giáo dục trung học Nguyễn Đình Chuẩn cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu. Hiện hoạt động này đã được đưa tới cấp tiểu học thông qua cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, giúp các em hình thành tư duy nghiên cứu khoa học. Tại nhiều trường THPT không chuyên, công tác này cũng phát triển. Điển hình là năm 2017 một học sinh trường THPT Quảng Trị đã đạt giải ba - cao nhất toàn đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi Intel Isef quốc tế tại Mỹ.

Một đại diện Bộ Giáo dục cũng cho biết, trong các lễ tổng kết và trao thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học luôn có sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là cơ hội giúp các em thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: chất vấn , sinh viên , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok