Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm, có 3.785 kg tôm được nhập khẩu về dưới tên “tôm hùm Alaska”, giá trị ước tính là 27.526 USD. Tính ra, bình quân mỗi kg tôm này nhập về với giá khoảng 170.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá bán của tôm hùm Alaska trên thị trường đang cao gấp 5-6 lần giá khai báo hải quan khi nhập khẩu. Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc phải “cõng” nhiều loại thuế, phí khiến mặt hàng này không thấp như kỳ vọng.
Ít thuế phí, lợi nhuận thuộc về thương lái
Tôm hùm Alaska nhập khẩu vào thị trường Việt Nam có mã HS 030611 và mã HS 030617. Tra cứu biểu thuế nhập khẩu của mã hàng này trên trang chủ của Tổng cục Hải quan, kết quả cho thấy tôm hùm Alaska chịu thuế ưu đãi 12%.
Như vậy, giá mỗi kg tôm hùm Alaska sau khi tính thuế là 190.400 đồng.
Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiểm tra và cấp giấy phép kiểm dịch động, thực vật đối với mặt hàng tôm tươi sống. Còn Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra và cấp thêm giấy phép từ Cục An toàn thực phẩm nếu đó là mặt hàng đã qua chế biến.
Mặt hàng tôm hùm Alaska nhập về Việt Nam chỉ chịu phí kiểm tra và cấp giấy phép kiểm dịch động, thực vật từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn tin của Zing.vn cho biết phí kiểm dịch không cao, chắc chắn không làm “độn” chi phí của doanh nghiệp.
Tôm hùm Alaska nhập về Việt Nam chỉ phải chịu thuế nhập khẩu và phí kiểm tra và cấp giấy phép kiểm dịch động, thực vật. Lợi nhuận thuộc về thương lái. |
Giá nhập khẩu tôm hùm Alaska thấp như vậy nhưng qua khảo sát, giá bán online của tôm hùm Alaska khoảng 550.000 đồng/kg đối với tôm 1-2 kg và từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/kg đối với loại 2-5 kg.
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia hội nhập cho biết đối với các siêu thị lớn và nhà nhập khẩu, phân phối chính thức, giá tôm hùm Alaska sẽ thấp hơn vì doanh nghiệp muốn ổn định thị trường. Giá bán online hay tại các cửa hàng nhỏ lẻ do thương lái đầu cơ và tăng giá.
Tình trạng này phổ biến với nhiều mặt hàng nhập khẩu hiện nay. Vị chuyên gia dẫn chứng một que thử thai khi ra khỏi nhà máy Trung Quốc giá khoảng 200-300 đồng. Tuy nhiên, về đến Việt Nam, các hiệu thuốc đang bán 10.000 đồng/que.
“Tương tự, một vỉ thuốc chữa dị ứng nhập khẩu Italy, tôi đã khảo sát 4 hiệu thuốc khác nhau trong bán kính 1 km mà giá bán dao động từ 70.000-100.000 đồng. Cho nên, lợi nhuận thuộc về người trung gian chứ không phải nhà sản xuất”, vị này nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie, khẳng định đứng ở góc độ pháp lý, tôm hùm Alaska không phải chịu mức thuế nào dẫn đến việc bị đội giá lên cao như vậy. Lợi nhuận thuộc về người đứng giữa.
Vì sao giá bán cao gấp 5-6 lần giá khai nhập khẩu?
Chia sẻ với Zing.vn, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp hải sản ngoại nhập tên Hiếu tại TP.HCM khẳng định mức giá tôm hùm Alaska nhập về lớn hơn 170.000 đồng/kg, nên giá đến tay người tiêu dùng chưa thể thấp như kỳ vọng.
“Đây chỉ là mức giá nhập bình quân, rất có thể nhiều đơn vị khai báo thấp hơn giá trị thực tế để nộp thuế ít hơn, nếu không thì có thể do chất lượng tôm không tốt”, anh Hiếu nhận định.
Một cửa hàng thủy, hải sản khác tại quận 1, TP.HCM cũng cho biết không có chuyện nhập tôm hùm Alaska về với giá 170.000 đồng/kg. Cơ sở này tuyên bố “đặt 1.000 tấn tôm nếu có mức giá trên”.
Tôm hùm Alaska bị đội giá, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt. |
Xoay quanh câu chuyện vì sao tôm hùm Alaska bị đội giá lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng, luật sư Trần Ngọc Trung cho rằng có nhiều lý do, trong khi thuế nhập khẩu tác động một phần không lớn.
Theo ông Trung, mặt hàng tươi sống có tỷ lệ rủi ro, hư hỏng lớn nên doanh nghiệp sẽ tính toán phần có thể bị hao hụt để tăng giá. Thứ hai là chi phí bảo quản hàng hóa từ lúc nhập về Việt Nam đến khi xuất bán.
Nhà nhập khẩu cũng sẽ dựa trên tính hiệu quả của hệ thống phân phối. Cụ thể, nếu tôm hùm Alaska càng qua nhiều đại lý trung gian (đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3), giá đến tay người tiêu dùng sẽ càng cao.
Ngoài ra, còn có khả năng doanh nghiệp khai báo không đúng giá nhập khẩu đầu vào, mục đích giảm một phần thuế. Ông Trung cho rằng điều này thuộc trách nhiệm bên hải quan và chưa thể kết luận được.
Quan điểm doanh nghiệp hạ giá khai báo để nộp thuế ít hơn cũng được ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đưa ra. Ông Phú cho rằng đối tượng bị thiệt là người tiêu dùng. Theo ông, phía hải quan cần nắm bắt thông tin về giá cả của các mặt hàng nhập khẩu để chống thất thu thuế.
Trước đó, đối với mặt hàng thịt gà, nhiều người đặt câu hỏi liệu có chuyện doanh nghiệp nhập khẩu kê khai giá nhập thấp hơn thực tế. Trả lời, Tổng cục Hải quan cho biết không có cơ sở để kết luận điều này.
Về việc giá tôm hùm bị đội giá, một số ý kiến bày tỏ có thể chi phí vận chuyển, bảo hiểm tôm hùm Alaska cao hơn các mặt hàng khác. Tuy nhiên, luật sư Trần Ngọc Trung khẳng định những chi phí này đã nằm trong giá khai báo nhập khẩu.
“Theo nguyên tắc, giá tính thuế bao gồm toàn bộ chi phí mà người mua phải trả khi đến cảng, cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên. Ví dụ, hàng nhập về cảng Hải Phòng, giá hàng hóa, rồi chi phí vận chuyển, bảo hiểm từ nước xuất khẩu về Việt Nam phải cộng vào giá khai báo làm thủ tục nhập khẩu”, ông Trung nói.
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: zing.vn