Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An chúng tôi ghé thăm gia đình ông Ngô Xuân Sơn (SN 1965) và bà Phạm Thị Tuyết (SN 1966, trú tại xóm Đông Hội 2, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) qua lời kêu cứu từ bạn đọc của Báo Dân trí.
Tại đây, chúng tôi được nghe ông Sơn kể về tấm gương vượt khó của những đứa con của ông như: Ngô Thị Hà (SN 1992), Ngô Văn Giang (SN 2000, học sinh lớp 12, Trường THPT 1/5, con trai út của ông Sơn)… Ông bảo, Giang là thằng út, nhiều năm liền là học sinh giỏi huyện, tỉnh.
“Tui và mọi người ai cũng không nghĩ rằng thằng Giang lại phải chịu nhiều thiệt thòi, phải vượt qua quá nhiều khó khăn trong cuộc sống này đến thế đâu. Chú nhìn là thấy nó bệnh tật rồi đấy. Nó gầy gò ốm yếu, nhưng bù lại học giỏi, siêng năng, cần cù, chịu khó lắm… Nó bảo, giờ mà nghỉ học thì sau này không có cơ hội làm việc lớn để giúp đỡ bố mẹ và các em”. Nói đoạn ông Sơn cúi mặt xuống bàn đưa bàn tay chai sần như viên đá cuội lau vội những giọt nước mắt.
Tâm sự cùng tôi, ông bảo không may mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh. Nhiều hôm làm quá sức, ông như ngất đi suýt chết mấy lần. Cách đây ít năm do sức khỏe quá yếu, ông đã đi thăm khám tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Các bác sĩ chẩn đoán ông bị hở van tim khá nghiêm trọng cần phải phẫu thuật.
Căn nhà của ông Sơn đang ở nay đã xuống cấp trầm trọng |
“Hồi đó bác sĩ nói là phải làm gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Thế nhưng nghĩ đến các con đều đang đi học, nên tui chỉ xin ít thuốc theo bảo hiểm y tế đưa về nhà uống thôi. Chứ nói đến chuyện phẫu thuật thì nào đâu dám nghĩ đến vì không có tiền. Nhiều hôm làm việc tui cũng bị ngất đi, nhưng tỉnh lại vẫn không dám đến bệnh viện vì sợ bác sĩ biết bệnh của mình lại bắt phẫu thuật”, ông Sơn tâm sự.
Ngoài bệnh tim, ông Sơn còn bị hen suyễn nhiều năm nay. Cũng vì không được chữa trị nên sức khỏe của ông Sơn ngày càng yếu đi, không thể làm được những công việc nặng nhọc, cơ thể ông cũng gầy khô như một cái cây lâu năm không được tưới nước chỉ còn lại lớp da bọc xương. Người vợ là bà Phạm Thị Nguyệt cũng đau ốm triền miên. Gia cảnh túng bấn, khó khăn lại càng thêm túng quẫn. Dù vậy, ông bà vẫn quyết không để các con phải nghỉ học.
|
Góc học tập của Giang chỉ là một cái bàn đơn sơ, cái giá nhỏ ... |
Thương bố mẹ, cả 3 chị em Giang đều học rất giỏi. Người chị gái đầu là Ngô Thị Hải (SN 1992, đỗ Đại học Thương Mại), Ngô Thị Hà (SN 1994, đỗ trường cao đẳng sư phạm Nghệ An). Người học giỏi nhất là Ngô Văn Giang (SN 2000) nhiều năm liền Giang là học sinh giỏi xuất sắc của trường. Bên cạnh đó Giang cũng là học sinh giỏi huyện, tỉnh ở một số bộ môn.
Vào năm 2015, Ngô Thị Hà học xong cao đẳng sư phạm Nghệ An trở về quê với bao dự định ở phía trước. Cả gia đình hy vọng Hà có tấm bằng đại học sẽ phần nào giúp đỡ gia vượt qua những khó khăn ban đầu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, mới chân ướt chân ráo về nhà được ít hôm Hà ốm nặng. Khi đi khám ở bệnh viện, Hà được bác sĩ cho biết bị u nang buồng trứng. Sau đó, Hà phải tiến hành ca phẫu thuật tại bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.
Kể từ khi Hà lâm bệnh cũng là thời khắc gia đình ông Sơn bước vào chuỗi những ngày sóng gió bão tố cuộc sống. Sức khỏe của Hà cứ giảm sút từng ngày. Hà ăn rất ít, thường xuyên nôn … Lo lắng cho con, ông Sơn lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để đưa con xuống bệnh viện tuyến tỉnh thăm khám.
Hà được các bác sĩ BVHNĐK Nghệ An kết luận: Bị viêm cầu thận mãn tính phải nhập viện điều trị. Vậy là gần 3 năm nay, cô giáo tương lai phải gắn liền với giường bệnh sống nhờ vào những liều thuốc mua tích cóp hoặc từ những lương y trong vùng.
Năm 2015 khi ra trường Hà là niềm vinh dự của gia đình. |
Nhưng sau đó không lâu, Hà mắc bệnh u nang buồng trứng. |
“Bây giờ nó ăn được ít lắm, mỗi tháng không biết ngất xỉu bao nhiêu lần, rồi phải đi bệnh viện điều trị. Có lần tôi đưa cháu xuống bệnh viện tuyến tỉnh thăm khám, người ta thấy cháu gầy quá, yếu quá trách tôi là bố mà không biết chăm con. Tôi nghĩ cũng xót xa lắm. Có hôm khám xong tại bệnh viện hai cha con không đủ tiền xe mà về, người ta biết được lại góp tiền cho…”, ông Sơn nói trong nước mắt.
Nhiều lần đưa con đi bệnh viện, bản thân ông cũng mang trọng bệnh trong người nhưng ông không dám thăm khám, không dám lấy thuốc để uống. Tất cả ông đều dành hết cho các con. Khuôn mặt người cha khắc khổ, trào nước mắt khi nghe người ta bảo mình không biết chăm sóc cho các con. Mỗi lần xuống viện, khi con gái khỏe hơn chút là ông lại xin đưa con về nhà để tiếp tục điều trị tại nhà. Mỗi tháng chi phí thuốc thang điều trị cho Hà “ngốn” hơn 6 triệu đồng. Đó là một số tiền “khổng lồ” so với điều kiện của gia đình ông.
Thấy chúng tôi, Hà cố gắng ngồi dậy dù bệnh tật đang hành hạ cơ thể |
“Mỗi tháng con Hà nhà tui uống hết 6 triệu đồng tiền thuốc chú à. Cả gia đình giờ không có một thứ chi nữa cả, biết tìm cái gì mà bán đây. Giờ hắn về nhà nằm một chỗ rồi. Khổ lắm, khổ mãi thế này biết đến khi nào cho các con sướng lên được. Bố có lỗi với các con lắm...”, ông Sơn thổn thức thầm trách móc số phận mình hẩm hiu để các con phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
Trong căn nhà lấm lem, ẩm thấp, mốc meo như được xây từ thế kỷ trước giờ đã xuống cấp trầm trọng. Trên chiếc giường cũ kỹ nằm trong góc ẩm ướt, Hà đau đớn vì bệnh tật hành hạ. Dù trời khá nóng nhưng em vẫn phải đắp chiếc chăn bông vì đang bị sốt. Khuôn mặt Hà xanh xao, gầy guộc như tàu lá chuối. Ở cái tuổi đẹp nhất thì con gái nhưng Hà chỉ vỏn vẹn nặng hơn 30kg, có thời điểm vì điều trị kéo dài hơn 2/3 tóc cũng đã rụng hết.
Người bố luôn túc trực bên con để xoa bóp, động viên đứa con gái... |
“Em ước mơ mình có thể trở thành một cô giáo, đứng trên bục giảng. Nhìn lớp lớp học trò phía giới, giúp chúng tiếp cận kiến thức. Nhưng bây giờ em không thể thực hiện được nữa rồi. Nhiều lúc em cứ nghĩ mình như một gánh nặng đối với cả gia đình…”, Hà tâm sự trong nước mắt.
Riêng cậu em út trong gia đình cũng mắc phải căn bệnh hen suyễn, mỗi tháng Giang phải ra Hà Nội lấy thuốc điều trị một lần. Tuy nhiên vượt lên tất cả Giang luôn là một tấm gương sáng cho các bạn bè noi theo. Nhiều năm liền Giang luôn giành danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Mới đây nhất, Giang giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý và giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Cậu học trò nghèo mong muốn có thể thi vào ngành công nghệ thông tin Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Dù bệnh tật nhưng Giang từ cấp 1 cho đến cấp 3 em đều đạt học sinh xuất sắc. Nhiều năm liền là học sinh giỏi huyện, tỉnh. |
Còn người chị cả, Ngô Thị Hải (SN 1992) sau khi tốt nghiệp tại Trường đại học Thương Mại cũng không thể xin được việc làm. Sau đó Hải về quê xin làm thuê cho một công ty trên địa bàn. Số tiền lương ít ỏi cũng không đủ để chữa bệnh cho các em, Hải xin làm thêm một số công việc khác vào thời gian rảnh để phụ giúp gia đình. Giờ đây, Hải chính là trụ cột của gia đình nhỏ nên tất cả công việc dường như một mình em cáng đáng.
“Tui và vợ lo chăm sóc ít sào mía của gia đình để kiếm thêm chút tiền phụ giúp cho con. Nhìn các con mà tui không cầm nổi nước mắt. Bây giờ thằng út không biết nó có được đi học nữa không. Nó học giỏi lắm chú à, nếu không vào đại học thì tiếc quá. Còn con bé Hà thì bệnh tật như vậy, bác sĩ nói cần phải mổ để lắp thận nhân tạo nhưng …lấy tiền đâu ra. Chú thấy đó, có bán cả gia đình, tài sản này cũng không có tiền để chữa trị đâu….”, nói đoạn người cha nghèo gạt vội những giọt nước mắt lăn dài trên gò má chai sạm.
Giang bảo: "Em chỉ mong được học hành đến nơi đến chốn sau này giúp đỡ bố mẹ... " |
Giấy chứng nhận hộ nghèo gia đình ông Sơn. |
Cái nghèo, cái khổ, bệnh tật cứ bám lấy những thân phận, những con người trong gia đình ông Sơn như đẩy gia đình ông đến tận cùng của khốn khó. Rồi mai đây chàng học sinh giỏi tỉnh ấy có tiếp tục được đến trường, cô giáo trẻ có thể được phẫu thuật tiếp tục sự sống của mình?
Câu hỏi này chúng tôi vẫn chưa có lời đáp. Nhưng tin tưởng rằng, những tấm lòng hảo tâm, những vòng tay nhân ái sẽ phần nào sẻ chia những khó khăn này tới gia đình ông Sơn.
Ngoài thời gian lên lớp, Giang chăm lo việc gia đình như nấu ăn, .... |
... gia đình cũng trồng ít gừng tranh thủ lúc rảnh rỗi Giang đem rửa sạch để bán lấy tiền đong gạo, mua thức ăn... |
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2919: Ông Ngô Xuân Sơn, trú xóm Đông Hội 2, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. ĐT: 01685.044.935 – ông Sơn |
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: Báo Dân trí